CHỦ ĐỀ NĂM 2025: TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HỘI CÁC CẤP; THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Gương hội viên nông dân tiêu biểu tại phường Hòa Nghĩa, Dương Kinh

Anh Nguyễn Tuấn Hưng (47 tuổi) ở TDP số 5 phường Hòa Nghĩa quận Dương Kinh sau nhiều năm loay hoay với đủ thứ nghề, năm 2018, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gà lông trắng (gà công nghiệp), bước đầu mang lại thành công. Đây có thể sẽ là hướng đi mới trong chăn nuôi gà đối với các hộ có lợi thế về đất đai.

Năm 2001, khi đó anh 24 tuổi, anh đi học nghề là một thợ cơ khí nhỏ lẻ, đi làm thuê lấy kinh nghiệm rồi về nhà mở xưởng nhỏ tại nhà. Năm 2010, anh nhận thấy diện tích đất của gia đình ông cha  để lại không làm gì mà chỉ có ao, cây ăn quả tự nhiên thì quá lãng phí. Khi đó, trong tay có ít vốn và biết nghề cơ khí anh quyết tâm tự dựng chuồng trại để nuôi lợn, gà nhờ có sự trợ giúp từ người thân và gia đình. Dần dần anh mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi lợn thịt với 2-3 chuồng với diện tích 300-400m2/chuồng. Những tưởng trại lợn của anh sẽ ngày càng phát triển nếu không vấp phải đợt khủng hoảng giá thịt lợn hồi năm 2016 và đầu năm 2017, tiếp đến là đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi năm 2018, anh lại về tay trắng. Sau nhiều lần trăn trở, anh nghĩ mình không thể để đất đai, chuồng trại im lìm như vậy, mà phải để nó “sống lại”, anh lại quyết định sửa quy mô chuồng trại chuyển sang nuôi gà lông trắng, gà siêu trứng. Được Hội Nông dân phường giới thiệu tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật và giúp đỡ về mặt vay vốn, cộng thêm việc học hỏi kinh nghiệm các mô hình ở địa phương khác, anh đã phát triển trang trại với hình thức liên kết với một số công ty từ khâu con giống tới khi xuất chuồng …nên 5 năm qua gia đình đã xây dựng được mô hình theo hướng chăn nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả, trồng rau màu xung quanh chuồng trại….Với diện tích sử dụng là 1500m2 với tổng số vốn đầu tư ban đầu xây dựng thô sơ từ năm 2010 là 300 triệu đồng nuôi lợn đến nay đã gây dựng phát triển thành 2 chuồng trại nuôi gà mỗi chuồng trại 700m2, chuồng được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép,  trang trại được thiết kế khép kín với hệ thống hiện đại cùng với những chiếc quạt thông gió giúp nhiệt độ ổn định. Bên trong trại gà, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái, mỗi chuồng nuôi 3.000 -3.500 con/ chuồng, một đợt 2 chuồng là 5.000- 6.000 con, một năm nuôi 5 đợt, 50-60 ngày là gà tới độ 3-4kg/con phải xuất chuồng bán với giá từ 32-36.000đ/kg …, cũng theo anh Hưng, để đầu tư được cơ ngơi kinh tế như ngày hôm nay, anh đã phải bỏ ra số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng. Để có đủ số tiền đó, bên cạnh vốn liếng chắt chiu của bản thân, anh vay mượn thêm của ngân hàng từ việc thế chấp, quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng chính sách TP, người thân,…còn công ty liên kết thì cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi. ..

Anh Hưng cho biết: “Mô hình này tuy ban đầu chi phí đầu tư khá cao nhưng lại rất “chắc ăn”. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà lớn nhanh, đều và hầu như không có bệnh tật gì. Công việc chăm sóc gà cũng khỏe hơn nhiều so với nuôi gà theo mô hình chuồng hở”. Lắp đặt hệ thống quạt thông gió, đèn sưởi giúp điều hòa nhiệt độ trong chuồng nuôi; hệ thống máng nước tự động để tiết kiệm nhân công. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà lông trắng, anh Thái cho biết: “Để đảm bảo gà sinh trưởng và phát triển tốt, từ khâu chọn con giống, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến việc phòng bệnh đều được gia đình thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ”. Ban đầu, nguồn nhân lực chủ yếu là gia đình tự làm, tự sản xuất, lấy công làm lãi, sau đó dần dần thuê thêm nhân công truyền kinh nghiệm kiến thức cho 3-5 lao động/ năm. Số lao động thường xuyên được sử dụng tạo việc làm ổn định hiện nay là 5 lao động, với mức lương bình quân là 6.500.000đ/tháng/người. Số lao động thuê theo thời vụ trong 01 năm là 3 người, với mức lương 3.000.000đ/tháng/người, chủ yếu là những hội viên nông dân xung quanh xóm làng có hoàn cảnh khó khăn, ở nhà nội trợ. Bên cạnh đó, các hội viên còn biết cách lấy phân gà ủ đất, ủ rơm trộn với chế phẩm sinh học để bán cho người dân có nhu cầu trồng rau màu, bên cạnh đó còn cây ăn quả ngắn ngày như ổi, đu đủ, dưa leo, cà chua, các loai rau màu theo mùa xung quanh chuồng trại để phục vụ cho chính bản thân họ và bán kiếm thêm thu nhập…

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Nghĩa, hiện nay phường đang triển khai hướng dẫn các hộ có diện tích đất rộng, bỏ hoang đến học hỏi mô hình nhà anh Hưng để phát triển nhân rộng mô hình chăn nuôi gà lông trắng trong trại theo mô hình liên kết với công ty. Tìm nguồn để người chăn nuôi được bao tiêu toàn bộ đầu vào và đầu ra của sản phẩm nên khá ổn định và thu nhập cao, đầu tư sau 2-3 năm là có thể hoàn vốn. Có thể nói, mặc dù vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng những mô hình như thế này hiện đang là hướng đi bền vững cho các hộ chăn nuôi gà, mở ra hướng làm giàu mới cho người nông dân./.

Vũ Thế Anh – Chuyên viên Ban Xây dựng Hội, Hội Nông dân TP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN NỔI BẬT