Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. BHYT và BHXH là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.
Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992. Năm 2008, Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Vì mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 01/7 hằng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”. Ngày BHYT Việt Nam là dịp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Đây cũng là dịp để quán triệt sâu sắc và nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT – một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia, một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua việc huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Chính sách BHYT là một trong những trụ cột của ASXH thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo được sự đoàn kết, tương thân, tương ái mang tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro, giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn do đau ốm. BHYT là cơ chế tài chính y tế quan trọng và là cơ chế chi trả trước được đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng giúp người dân khi bị ốm đau không rơi vào cảnh nghèo đói, là định hướng phát triển trong chăm sóc sức khỏe người dân góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Cùng với sự phát triển về chính sách BHYT, sự vào cuộc của Đảng ủy, UBND, các ban ngành đoàn thể xã Hòa Bình, chất lượng công tác truyền thông ngày càng được nâng cao cũng đã giúp cho một bộ phận người dân có nhận thức đúng đắn về tính ưu việt của chính sách BHYT từ đó tự nguyện tham gia, đồng thời vận động người thân và gia đình tham gia BHYT. Với nhiều thay đổi trong chính sách BHYT, người dân đã có sự quan tâm nhiều hơn đến việc khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, từ chỗ quan tâm đến việc chấp nhận bỏ tiền ra mua để được hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Tìm hiểu thực tế có thể nhận thấy một đặc điểm khá phổ biến đó là: người dân đều có quan tâm nhưng lại thiếu tin tưởng để quyết định bỏ tiền ra tham gia BHYT. Nhân dân cũng nhận thấy việc mua BHYT là cần thiết, phòng khi đau ốm, bệnh tật. Nhưng cũng còn nhiều băn khoăn về thủ tục đăng ký mua BHYT, không biết chất lượng khám chữa bệnh ra sao? phải mất nhiều thời gian chờ đợi và nhiều người cho rằng thuốc của BHYT thì thuốc không tốt… Những vướng mắc như trên dẫn đến sự thiếu tin tưởng của người dân với chính sách BHYT. Hơn nữa vấn đề thu nhập của nhân dân là một yếu tố hết sức quan trọng đến việc tham gia BHYT, nhất là việc tham gia cho cả hộ gia đình.
Nhân dân xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên tham gia mua Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng, hộ gia đình tự đóng người thứ nhất đóng 100% là 1.263.600đ/12 tháng; người thứ 2 đóng 70%, số tiền là 884.520đ/12 tháng; người thứ 3 đóng 60%, số tiền là 758.160đ/12 tháng; người thứ 4 đóng 50%, số tiền là 631.800đ/12 tháng; từ người thứ 5 trở đi đóng 40%, số tiền là 505.440/12 tháng. Với mức phí hiện nay, giả sử hộ gia đình có 4 người tham gia BHYT, số tiền phải đóng là 3.538.080đ/năm, như vậy mỗi ngày tiết kiệm gần 10.000đ thì cả gia đình sẽ có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe cả năm; trong khi đó không may bị ốm đau sẽ được nhà nước chi trả phần lớn số tiền khám chữa bệnh. Tuy nhiên, con số này cũng làm cho một bộ phận người dân có mức sống trung bình “giáp ranh” với người thuộc hộ cận nghèo còn băn khoăn, mặc dù có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Điều đó cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế của đại bộ phận hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình. Thực tế cho thấy các trường hợp người tham gia BHYT theo nhóm này hầu hết đều là những người mắc bệnh nặng, phải điều trị nhiều mới tham gia BHYT.
Bảo hiểm y tế mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi ốm đau. Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người dân khi ốm đau, tai nạn…nhằm đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ khi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký ghi trên thẻ. Đóng tiền mua bảo hiểm y tế là cách đóng góp khi lành, để dành khi ốm. Cùng với việc cấp BHYT cho hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách, đối tượng BTXH… thì việc mở rộng hình thức tham gia BHYT cho người dân là một chính sách xã hội quan trọng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục đích hỗ trợ cho toàn dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật cao, phát hiện bệnh tật kịp thời, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, nhất là giá các dịch vụ y tế được điều chỉnh theo hướng tăng cao như hiện nay. Đây là chính sách xã hội nhằm hướng tới việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ bảo hiểm của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của Nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia, do cơ quan Bảo hiểm xã hội tổ chức thực hiện. Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đủ điều kiện theo quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (gấp nhiều lần so với mức đóng) góp phần ổn định cuộc sống khi về già, được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Hằng năm, lương hưu được điều chỉnh theo chế độ tăng chung của Nhà nước. Trong quá trình hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khi người hưởng lương hưu từ trần, thân nhân được hưởng mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở và chế độ tử tuất.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như: Người lao động tự do; Người lao động tự kinh doanh, buôn bán; Người lao động là chủ, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các cửa hàng, quán ăn, uống; Người đang bảo lưu đóng BHXH bắt buộc; Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH…
Thực tế cuộc sống hiện nay có hơn 70% người cao tuổi vẫn đang phải tự lao động để kiếm sống hàng ngày. Trong khi đó, một bộ phận may mắn đang được hưởng lương hưu hàng tháng là nhờ đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện nay, với chính sách an sinh xã hội ưu việt, Đảng và nhà nước ta đã có chính sách cho người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập để hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, từ 01/01/2018 được Nhà nước hỗ trợ 10% mức lượng tối thiểu khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức đóng hàng tháng = 22% x Mức thu nhập mà người lao động lựa chọn đóng.Về chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện, gồm:
+ Chế độ hưu trí: Được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện hưởng;
+ Thẻ Bảo hiểm Y tế: Được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế khi đến nhận lương hưu;
+ Chế độ Bảo hiểm xã hội một lần: Được thanh toán số tiền đã đóng nếu không tiếp tục tham gia;
+ Chế độ tử tuất: Được hưởng mai táng phí và tuất 1 lần nếu không may qua đời.
Xã Hòa Bình là một xã rộng, dân số đông trên 13.000 nhân khẩu, tính đến thời điểm hiện tại số người trong xã có thẻ BHYT đạt 95%. Tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XXVI của Đảng về chỉ tiêu tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%. Với trách nhiệm trước quyền lợi, lợi ích, sức khỏe của nhân dân; trách nhiệm trước công tác an sinh xã hội của xã nhà; Hội Nông dân xã Hòa Bình sẽ luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm cho người dân hiểu được tính ưu việt của chính sách BHYT, BHXH để người dân thấy cần thiết và tự giác tham gia.
Hoàng Thị Thủy – CT Hội Nông dân xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên