Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Vũ Văn Nhĩ, thôn Minh Hậu, xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) vẫn hăng say trồng cỏ nuôi dê. Đàn dê 120 con của gia đình lớn tới đâu bán hết tới đó, cho thu nhập từ 150 – 200 triệu/năm.
Xuất thân trong gia đình thuần nông, ông Nhĩ có niềm đam mê phát triển kinh tế, luôn tìm tòi học hỏi trong chăn nuôi, trồng trọt. Ông đã thử nghiệm với nhiều nhiều mô hình cây, con để phát triển kinh tế. Ông là một trong những hộ đầu tiên của xã Toàn Thắng thực hiện nuôi dê thương phẩm. Những năm trước, ông Nhĩ chỉ thuần nuôi một giống dê cỏ với thời gian dài trên 20 năm. Tuy nhiên, giống dê này có trọng lượng nhỏ, chậm lớn, nuôi mất nhiều thời gian, khi xuất bán không mang lại hiệu quả kinh tế cao như các giống nhập ngoại. Để phát triển kinh tế gia đình được tốt hơn ông đã quyết định tìm hiểu kỹ thuật nuôi dê từ nhiều kênh khác nhau rồi mạnh dạn mua dê về nhà nuôi thử nghiệm.
Vừa nuôi ông Nhĩ vừa tìm hiểu thêm trên các phương tiện thông tin tivi, đài báo, thấy giống dê Boer có nhiều ưu điểm như: giống to, dễ nuôi, dễ chăm sóc, nhanh phát triển, ít bị bệnh rất phù hợp với vùng nông thôn. Ông quyết định chuyển hướng sang nuôi giống mới để thay thế giống dê cũ đang nuôi.
Ông Vũ Văn Nhĩ trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho đàn dê
Năm 2017, ông Nhĩ phải cất công lên tận Vĩnh Phúc thăm mô hình, học hỏi kinh nghiệm và mua giống dê Boer tại một trang trại ở đây mang về nuôi. Đồng thời mua giống cỏ voi của họ về trồng tại những diện tích lúa bỏ không tại địa phương. Ông trồng cỏ voi khắp cả các diện tích đất thừa tại những bờ mương ven đường, tận dụng hết những diện tích đất thừa trồng bạt ngàn cỏ voi để phục vụ cho đàn dê có đủ cỏ ăn quanh năm.
Ông Nhĩ cho biết, việc trồng cỏ voi của gia đình là để chủ động kiểm soát nguồn thức ăn cho đàn dê được an toàn, sạch sẽ, đặc biệt không tốn tiền mua thức ăn bên ngoài. Vì dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng nuôi dê có sàn làm bằng gỗ cách mặt đất 0,5 – 0,8 m, có khe hở để phân dê lọt xuống nền cho dê ở được sạch sẽ, khô thoáng. Những con dê nuôi sinh sản ông Nhĩ nhốt riêng một khu, những con dê nuôi thương phẩm một khu riêng biệt. Hằng ngày, ngoài việc chăn thả để tận dụng nguồn cỏ ngoài tự nhiên, gia đình ông mua bã đậu về trộn lẫn với cỏ voi xay nhà trồng cho vào máng để đàn dê ăn bổ sung thêm chất dinh dưỡng. Riêng với đàn dê nuôi thương phẩm, mỗi ngày ông dành khoảng 3 giờ để đi thả dê ra ngoài đồng cho dê ăn cỏ tự nhiên và vận động.
Đàn Dê của gia đình ông Vũ Văn Nhĩ, thôn Minh Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng
Đàn dê ông Nhĩ nuôi được cung cấp thức ăn đầy đủ và được vận động ngoài trời nên nào con nấy đều khỏe mạnh, không bệnh tật, chất lượng thịt tốt, săn chắc, ăn dê ngọt đậm đà, ai cũng khen ngon, số lượng dê không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Gia đình ông Nhĩ trồng cỏ voi không chỉ làm thức ăn bổ sung cho dê hàng ngày và những ngày mưa bão mà còn để ủ men vi sinh dự trữ để chủ động làm nguồn thức ăn cho dê ăn vào mùa đông giá lạnh. Mỗi năm ông phải ủ sẵn từ 6 -7 tấn cỏ voi cho dê ăn vào những ngày đông khi nguồn cỏ tự nhiên khan hiếm.
Giống dê Boer sinh sản rất tốt, lứa đầu tiên dê cái đẻ 1 con/lứa, nhưng từ lứa thứ 2 trở đi dê cái đẻ 2 – 3 con/lứa. Dê con sau đẻ từ 6 – 7 tháng có thể xuất bán, trọng lượng trên 30 kg/con. Mỗi năm, ngoài việc xuất bán dê thương phẩm ông Nhĩ còn thu một nguồn lớn từ việc bán dê giống.
Việc vệ sinh chuồng trại được ông Nhĩ tiến hành đều đặn, cứ 2 ngày một lần, ông Nhĩ lại dùng vòi phun rửa sạch chuồng trại. Phân dê thải ra, ông Nhĩ gom lại ủ mục bón cho diện tích trồng cỏ voi của gia đình và bán cho những người trồng cây cảnh.
Ông Nhĩ cho biết: Từ hiệu quả của mô hình “Nhiều người từ các tỉnh, huyện khác như Thái Bình, Kiến Thuỵ … cũng đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình tôi để học tập và mua giống dê về nuôi. Ngoài việc bán dê giống, mỗi năm gia đình tôi còn xuất bán được 1 tấn dê thương phẩm, bán với giá từ 130 – 150 nghìn/kg. Mỗi con dê trung bình thu về từ 5 – 7 triệu đồng”
Đây là mô hình chăn nuôi khá phù hợp với khu vực nông thôn của huyện Tiên Lãng. Sự kết hợp trên góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, an toàn thực phẩm, sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng. Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong nông nghiệp; tạo thu nhập ổn định cho hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy phong trào xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương./.
Phạm Văn Phong – Chủ tịch Hội Nông dân xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng