Vào một buổi chiều tháng 9 năm 2023, khi trời đã sang thu, cái se lạnh đã len lỏi; tôi đi trên đường làng Đồng Giá xã Thiên Hương, có trên 95% bà con theo đạo Công giáo; giữa những cánh đồng lúa chín vàng, nặng trĩu bông, như đang cúi đầu chào khách thăm quan. Để thăm mô hình “dân vận khéo” làm nông nghiệp giỏi; khi hỏi ? bà con làng Đồng Giá sốt sắng có chỉ, tại làng có anh thanh niên Đàm Văn Đoàn làm nông nghiệp giỏi.
Rất may, khi tôi đến nhà anh Đàm Văn Đoàn có mặt tại nhà; khi vào câu chuyện, anh có cho biết trong những ngày này anh có mặt ở nhà để kiểm tra lại máy gặt, chuẩn bị xuống đồng gặt vụ mùa cho bà con trong làng và một số thôn trong xã.
Khi hỏi, tại sao anh chọn làm nông nghiệp, khi nhiều thanh niên khác đi làm tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố?
Anh Đoàn bộc bạch trả lời, do bản thân được sinh ra, lớn lên tại gia đình làm nông nghiệp thuần túy; Anh nhận thấy, đồng đất làng Đồng Giá mầu mỡ, nguồn nước kênh Hòn Ngọc thuận lợi cho tưới tưới tiêu, cho năng suất lúa hàng năm cao so với những cánh đồng nơi khác.
Anh nhận thấy trong nông nghiệp có cơ hội làm giàu chính đáng, muốn sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, cần đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật. Từ đó Anh quyết tâm đi học hỏi một số mô hình sản xuât nông nghiệp, đã thành công, nhờ có đầu tư mua sắm công cụ sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học trong trồng trọt.
Năm 2016, bước đầu anh Đoàn đã đầu tư sắm 1 chiếc máy cày, kết hợp dàn ép luống trồng màu giá trị 360 triệu đồng, (với số vốn ban đầu do tích lũy nhiều năm của vợ chồng) nhằm phục vụ sản xuất trồng lúa, trồng màu cho gia đình và phục vụ dịch vụ cho bà con làng Đồng Giá; chiếc máy cày đã phát huy hiệu quả, giải phóng sức lao động nặng nhọc trong khâu làm đất, đồng thời thu về vốn và cho thu nhập gia đình.

Một góc nhỏ cánh đồng cà của anh Đàm Văn Đoàn sau khi chuyển đổi từ những sào ruộng bỏ hoang
Từ kết quả ban đầu, xét thấy nhu cầu của bà con trong thôn, năm 2016 anh Đoàn tiếp tục đầu tư mua 1 chiếc máy gặt trị giá 360 triệu đồng, có công suất cao, năng suất hơn hẳn, ưu điểm hơn những chiếc máy đang hiện có trong thôn, xã. Do máy có năng suất, tính năng ưu điểm, nên bà con đã tin dùng thuê máy gặt của Anh.
Trong tình hình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước hiện nay, các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đầu tư sản xuất công nghiệp- thương mại- dịch vụ, thu hút lớn lực lượng lao động trong độ tuổi đến làm việc; phần còn lại sản xuất nông nghiệp chủ yếu là những người già, yếu; trong khi đó sản phẩm nông nghiệp nói chung giá trị thấp, không ổn định, cho thu nhập không cao, nên tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, mỗi năm một tăng; hệ lụy kéo theo ruộng bỏ hoang là nguyên nhân chuột phát triển cắn phá mùa màng, bên cạnh đó còn là nơi phát triển các dịch bệnh khác.
Là người sản xuất nông nghiệp, nhìn những cánh đồng rộng lớn bỏ hoang, anh Đoàn thấy lãng phí và lấy làm tiếc; năm 2018, sát cạnh cánh đồng làng Đồng Giá, có khu cánh đồng rộng khoảng 0,7 ha của xã Thủy Sơn đã bỏ hoang đã lâu, cỏ, cây mọc um tùm. Đoàn đã liên hệ với thôn nhờ tác động các hộ dân có ruộng bỏ hoang, cho anh mượn để canh tác và được bà con đồng ý. Do chủ động sức kéo làm đất, cánh đồng rộng 0,7 ha, anh đã cải tạo thành một cánh đồng mẫu lớn, rất thuận lợi cho việc đưa máy vào sản xuất, chăm sóc, tưới tiêu.
Diện tích nhận làm dịch vụ ngày càng tăng, không những ở địa phương, còn những cánh đồng xã bên cạnh, do uy tín của bà con với anh Đàm Văn Đoàn trong khâu dịch vụ nông nghiệp. Đến năm 2023 Anh đã nhận tổng diện tích là 18 mẫu cấy lúa (khoảng 6,5 ha), do bà con nông dân có ruộng nhưng thiếu lao động.

Anh Đàm Văn Đoàn (đội nón) giới thiệu mô hình chuyển đổi với các đồng chí lãnh đạo
Anh đã quyết định đầu tư đồng bộ máy sản xuất nông nghiệp: năm 2018 đã đầu tư mua 01 máy gặt trị giá 640 triệu đồng, máy cày 500 triệu đồng, máy cấy 240 triệu đồng, khay gieo mạ 200 triệu đồng.
Năm 2022 Anh tiếp tục đầu tư 01 máy cấy trị giá 350 triệu đồng, giàn gieo mạ 60 triệu đồng.
Sản lượng cánh đồng mẫu lớn của anh đã cho một vụ mùa bội thu; năm 2023 tổng sản lượng đạt 70 tấn thóc, trị giá 700 triệu đồng đảm bảo hoàn vốn và có lãi, gia đình anh rất phấn khởi.
Sau khi được hỏi dự định tiếp theo của anh về đầu tư và sản xuất nông nghiệp? anh hào hứng trả lời, tiếp tục theo đuổi công việc chính là sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng đầu tư máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp mới; mở rộng diện tích cấy lúa ở những cánh đồng mà bà con nông dân không có điều kiện sản xuất mà bỏ hoang.
Nhìn gương mặt tự tin của anh, với sự đầu tư những máy móc đầu tư đồng bộ, kinh nghiệm trong sản xuất nhiều năm; tôi tin tưởng những năm tiếp theo anh sẽ gặt hái nhiều thành công mới.
Anh Đoàn là một gương nông dân tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Kính chúa, yêu nước”. Anh cũng vinh dự được là đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên lần thứ 11, dự Đại hội Hội Nông dân thành phố lần thứ 10, nhiệm kỳ 2023-2028.
Khi tôi từ nhà anh Đoàn trở về, trời đã xâm xẩm tối, lúc này tiếng chuông nhà thờ ngân vang những hồi dài, không khí cảnh quê thật thanh bình; lòng tôi xốn xang trước cảnh quê hương đổi mới./
Nguyễn Thế Quý – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiên Hương