CHỦ ĐỀ NĂM 2025: TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HỘI CÁC CẤP; THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trúng đậm vụ tép biển (ruốc biển) ngư dân phường Hải Thành, quận Dương Kinh thu hàng trăm triệu

Nhiều vùng biển đang vào mùa tép biển, những ngày này, chỉ trong một ngày khai thác, các tàu cá của ngư dân phường Hải Thành quận Dương Kinh đã có thể bắt về hàng tấn tép biển, thu hoạch tiền triệu mỗi ngày.

Tép biển (hay còn gọi là moi, ruốc) là tên gọi của một loại động vật giáp xác mười chân. Sống ở vùng nước ven bờ biển. Hình dạng như con tôm nhỏ, chỉ khoảng 4mm – 10mm được coi là một đặc sản của miền biển. Tép biển có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Những ngày tháng 9 âm, khi tép biển vào mùa thường xuất hiện dày đặc tại khu vực ven biển, cách bờ biển gần 1km. Mùa tép biển là một trong những thời điểm rất được ngư dân địa phương yêu thích bởi không cần đi xa bờ nhưng lại thu được lợi ích kinh tế cao. 

Ngư dân đánh bắt ruốc không kể thời gian, cứ đầy khoang thuyền là có thể vào bờ để bán, sau đó lại tiếp tục ra khơi. Tuy nhiên, thông thường ngư dân tại TDP Thủy Giang, phường Hải Thành quận Dương Kinh thường đi vào 2 đợt, đợt 1 từ sáng sớm đến trưa và đợt 2 là từ chiều đến tối muộn. Đa phần ngư dân tại đây đều đánh bắt bằng thuyền to, nên mỗi ngày trung bình bắt được khoảng 3 đến 4 tấn, những ngày trúng được luồng thì có thể bắt được 5 đến 6 tấn tép.

Tép được thương lái tới mua ngay tại bờ biển với giá khoảng 17.000 -20.000 đồng/1kg, còn nếu ngư dân chở vào các chợ dân sinh ở phía trong thì bán sẽ được giá hơn, khoảng 23.000 đồng/1kg, giá cao hay thấp còn tùy vào độ tươi và chất lượng con tép. Trừ đi chi phí nhiên liệu, mỗi ngày ngư dân tại đây thu về chục triệu đồng/ 1 ngày. Nếu thời tiết được thuận lợi, ngư dân có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm không nghỉ, trong một tháng có thể thu lời trăm triệu đồng.

Một ngư dân cho biết “để có thể bắt được tép, người dân phải dùng các dụng cụ đặc thù được làm bằng hai thanh gỗ dài, buộc lưới nhỏ tạo thành hình tam giác. Khi gặp luồng tép, người dân sẽ hạ vợt xuống để xúc, đưa lên khoang thuyền, cũng có một số thuyền khác lại sử dụng lưới có mắt nhỏ để đánh bắt. Bắt tép này cũng không khó, quan trọng là đôi mắt phải chú ý quan sát, chỉ cần thấy được một đàn nhỏ là sẽ biết ngay cả luồng tép, tới lúc đó mình chỉ việc dùng lưới hoặc vợt để vợt lên thuyền thôi”.

Tép biển sau khi được đánh bắt thường được phơi khô, sau đó chế biến thành nhiều món khác nhau, nhưng đặc trưng tại đây thì có thể kể đến như làm mắm nước. mắm đặc, mắm lỏng…, tép khô rang nước mắm, nấu canh…

Ngư dân trúng đậm tép biển đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến. Trong đó có cơ sở bà Bùi Thị Bình – chủ cơ sở chế biến Bình Phương cũng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân cấp thành phố – là cơ sở chế biến lớn nhất toàn quận cho biết chỉ trong 1 tuần, khi tàu cập bến tàu tại cơ sở của bà đã thu mua được hơn 350 tấn tép. Để kịp thời sơ chế trong thời tiết thuận lợi như mấy ngày nay, bà đã thuê tăng cường 10 nhân công thời vụ cùng các nhân công thường xuyên của cơ sở để liên tục ủ phơi để làm nguyên liệu sản xuất dần trong thời gian tới”. Trước khi tàu khởi hành đi đánh bắt xa bờ bà cũng đã cho ngư dân ứng tiền đổ dầu, mua đồ ăn để đi đánh bắt xa bờ, sau đó khi quay về hai bên thỏa thuận trừ chi phí, mua bán ngay tại bến cho cơ sở bà chế biến. Bởi vậy ngư dân rất yên tâm đi đánh bắt vì được cấp vốn đổ dầu, lại có đầu ra không phải lo nghĩ khi tàu cập bến. Đây là thời điểm bắt đầu bước vào vụ ruốc chính trong năm, hy vọng ngư dân tiếp tục bội thu ruốc biển./.

Ngô Đức Hạnh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Hải Thành, Dương Kinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN NỔI BẬT