Xã Tiên Thắng (Tiên Lãng): Ứng dụng thành công tiến bộ mạ khay máy cấy và liên kết tiêu thụ sản phẩm

Trong những năm qua, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) và Hội Nông dân xã Tiên Thắng đã tích cực triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương, điển hình như: Mô hình Quy vùng lúa thương phẩm cấy theo phương pháp mạ khay máy cấy; mô hình trồng dưa chuột bao tử vụ Đông trên đất 2 lúa, dưa chuột bao tử vụ xuân trên diện tích vườn cao… Với quyết tâm cao, vì mục tiêu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Vụ chiêm 2019 HTXNN và Hội Nông xã Tiên Thắng đã phối hợp xây dựng và tổ chức triển khai mô hình “Mạ khay máy cấy và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm” đến các chi hội và đội sản xuất trên địa bàn toàn xã; tuyên truyền phương thức tổ chức dịch vụ mạ khay máy cấy, xây dựng cơ cấu giống, lịch làm đất – cấy máy. Đồng thời tiến hành đăng ký đến hộ, tổng hợp diện tích và thực hiện ký hợp đồng sản xuất với các hộ tham gia. Theo đó, giá dịch vụ bao gồm từ khâu gieo mạ đến khi cấy xong, bàn giao ruộng cho các hộ, tập thể thu 200.0000đ/sào.

Mô hình mạ khay cấy máy của nông dân xã Tiên Thắng

Kết quả vụ chiêm xuân 2019 trên địa bàn xã Tiên Thắng diện tích gieo cấy ứng dụng tiến bộ mạ khay máy cấy đạt 63ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao trên 50ha (gồm lúa Nếp Mỹ, Nếp cô tiên, lúa J02). Riêng vùng quy hoạch sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ mạ khay máy cấy, cấy 01 giống lúa (Nếp Cô tiên), có hợp đồng tiêu thụ, tại xứ đồng Chè Le – Đồng Bầu, diện tích 20ha với sự tham gia của 98 hội viên hội nông dân và hộ sản xuất.

Nông dân Tiên Thắng thu hoạch lúa và tiêu thụ sản phẩm ngay tại ruộng

Qua thực tế, tổ chức sản xuất cho thấy một số kinh nghiệm là: Công tác quản lý, chăm sóc mạ tập trung nên chất lượng mạ cấy máy cơ bản đáp ứng được yêu cầu (mạ được bơm cưỡng bức trừ rầy, phòng bệnh đạo ôn…); Diện tích lúa trong mô hình sử dụng cùng một loại giống, cấy cùng một thời điểm nên trong quá trình tổ chức cấy máy, điều tiết nước, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh hại của các hộ sản xuất đều thuận lợi, mức độ nhiễm sâu, bệnh nhẹ hơn; Đặc biệt là lúa được cấy máy tập trung nên mặt bằng lúa chín khá đồng đều, rất thuận tiện cho hoạch bằng máy và tổ chức thu mua tập trung; Chỉ trong 03 ngày thu hoạch, tập thể đã thu mua và bao tiêu thóc tươi tại đầu bờ cho các hộ sản xuất, sản lượng trên 150 tấn. Phát huy những kết quả đã đạt được từ vụ chiêm 2019. Vụ mùa 2019, mặc dù diện tích canh tác của địa phương phần lớn là diện tích trũng và phụ thuộc vào điều tiết nước từ kênh trung thuỷ nông của huyện; thời vụ sản xuất lại rất khẩn trương; Song, với quyết tâm tiếp tục xây dựng thành công và duy trì vùng sản xuất ứng dụng tiến bộ mạ khay máy cấy và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với sự đồng thuận của các hộ trong vùng quy hoạch, vùng quy hoạch sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ mạ khay máy cấy, cấy 01 giống lúa (Nếp Cô tiên), có hợp đồng tiêu thụ, tại xứ đồng Chè Le – Đồng Bầu, diện tích 20ha tiếp tục được triển khai, thực hiện, với sự tham gia của gần 100 hội viên hội nông dân và hộ sản xuất trong vùng tham gia. Đến ngày 11/7/2019 sau 04 ngày cấy tập bằng trung bằng máy, toàn bộ diện tích trong vùng quy hoạch đã cấy xong. Có thể nói, mô hình ứng dụng mạ khay máy cấy và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do HTXNN và Hội Nông dân xã triển khai với bước khởi đầu còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả giữa HTX và Hội Nông dân xã, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, cùng với sự hưởng ứng tích cực của hội viên nông dân, cũng như các hộ sản xuất. Vì vậy mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt đối với các hộ tham gia mô hình sản xuất. Kết quả của mô hình trên đã khẳng định đây là hướng đi mới góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất – gieo cấy – đến thu hoạch; hình thành những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, có diện tích, sản lượng lớn cho tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất theo hướng VIETGAHP, nhằm hướng tới việc nâng cao giá trị và chất lượng của hạt gạo đối với thị trường. Đây là hình thức mới để tập hợp nông dân trong điều kiện thâm canh sản xuất lúa hiện nay và cũng giải pháp thiết thực cho sản xuất lúa trong tương lai.

                                                                                          (Phạm Văn Với -Chủ tịch HND xã Tiên Thắng) 

                                                                              ]]>

  • Tin mới đăng