Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trồng trọt Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trồng trọt

Câu hỏi 1: Hãy cho biết việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như thế nào?

Đáp: Điều 56 Luật Trồng trọt quy định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa như sau:

  1. a) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;
  2. b) Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;
  3. c) Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;
  4. d) Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

Câu hỏi 2: Hãy cho biết tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đảm bảo các điều kiện gì ?

Đáp: Điều 22 Luật Trồng trọt quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng như sau:

– Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;

+ Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

– Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.

Câu hỏi 3: Hãy cho biết Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt?

Đáp: Điều 9 Luật Trồng trọt quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt

– Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

– Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.

– Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.

– Cung cấp thông tin về giống cây trồng, phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.

– Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón.

– Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng.

– Xuất khẩu trái phép giống cây trồng thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu.

– Canh tác gây hại cho cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người; gây ô nhiễm môi trường; suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học.

– Khai thác, sử dụng trái phép tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp.

 

Trương Thị Lành- Trung tâm TTDN&HTND sưu tầm thuvienphapluat.vn

  • Tin mới đăng