Trong 5 năm qua, nhờ sự nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, anh Nguyễn Văn Vinh, ở Quyết Tiến 1, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến nay đã có “Của ăn, của để” nhờ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp VAC giúp gia đình anh có thu nhập ổn định. Trước kia, cũng như bao hộ khác trong phường, cuộc sống của gia đình Anh Vinh chủ yếu nhờ vào vài sào ruộng, năng suất lúa bấp bênh nên dù làm lụng vất vả, kinh tế cũng không mấy dư dật. “Thấy mô hình kinh tế trang trại của nông dân các xã lân cận “ăn nên làm ra”, tôi mạnh dạn đầu tư 5.400m2 vườn, chuồng trại, ao; 3.600m2 ruộng cấy của gia đình làm trang trại tổng hợp VAC” – anh Vinh nhớ lại. Năm 2009, với số vốn vay được từ anh, em, họ hàng và vốn của gia đình, anh Vinh thuê nhân công đào ao, xây dựng chuồng trại.
Những ngày đầu lập nghiệp, anh gặp không ít khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Thêm vào đó, thời tiết thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến có thời điểm lợn trong chuồng của anh bị chết hàng loạt, bao nhiêu vốn liếng đầu tư mất trắng. Không nản trí, anh tích cực học hỏi thêm kiến thức từ sách báo, tham dự các buổi sinh hoạt chi hội, các hội nghị tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm đơn xin gia nhập Câu lạc bộ “Sản xuất kinh doanh giỏi” của Quận, tham gia 02 khóa học nghề do Hội Nông dân quận phối hợp với Trung tâm dạy nghề quận tổ chức. Với 5.400m2 vườn, gia đình anh đã quy hoạch 1.000m2 trồng rau đay, mồng tơi, rau cải…), 4.400 m2 diện tích đất còn lại anh đầu tư đào ao nuôi cá nước ngọt và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Tổng số 10 con lợn lái giống được gia đình nuôi hàng năm sinh sản từ 50 con đến 80 con lợn giống, sau đó anh nuôi thành lợn thịt xuất ra thị trường tiêu thụ. Trừ chi phí anh còn lãi từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi năm. Với 3.600m2 diện tích trồng lúa năng xuất thấp. Qua nghiên cứu, anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây rau bồng khoai, rau má, rau ngổ, rau răm, rau má, thả rau rút, vì đây là những loại cây rất rễ trồng, dễ chăm bón, vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao hơn so với các loại rau khác. Từ mô hình trên, mỗi tháng đem lại cho gia đình 3,5 triệu đồng, ngoài ra còn thu nhập từ các loại rau xen canh khác là 1,5 triệu. So với cây lúa sẽ thu nhập cao gấp từ 7 – 10 lần. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, mô hình VAC của gia đình anh cho thu lãi từ 100 – 120 triệu đồng. Chia sẻ bí quyết thành công, anh Vinh cho hay “Trong quá trình tổ chức sản xuất, phải chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh. Chuồng trại thường xuyên được phun thuốc khử trùng, sạch sẽ thoáng mát. Các biện pháp chữa bệnh cũng được tiến hành theo quy trình hướng dẫn của cán bộ thú y. Ngoài kỹ thuật trồng trọt, luôn cập nhật kiến thức mới, am hiểu nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, nhất là phải có đầu ra ổn định”.
Nhờ biết cách làm ăn, hiện nay gia đình anh đã có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển bền vững. Không chỉ biết cách làm giàu, hàng năm gia đình anh còn giúp đỡ các hộ nông dân khó khăn về con giống, cây giống, kỹ thuật vật nuôi, cây trồng; tích cực tham gia ủng hộ các cuộc vận động của địa phương, của Hội các cấp; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định địa phương được bà con lối xóm tin yêu, kính trọng.
Tin, bài: Hoàng Thị Lập]]>
