Nuôi bò sinh sản và lấy sữa – mô hình phát triển kinh tế mới trên địa bàn huyện An Dương

Hợp tác xã sữa bò tươi và con giống Hải Phòng do anh Lê Văn Thạch ở thôn Kim Sơn xã Lê Thiện làm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX mới thành lập từ tháng 6/2014. Đây là mô hình kinh tế mới trên địa bàn huyện có tiềm năng phát triển cho giá trị kinh tế cao.  Hợp tác xã có diện tích trên 5ha, gồm khu vực chuồng trại chăn nuôi và khu bãi trồng cỏ lấy thức ăn cho bò; vốn đầu tư ban đầu trên 3 tỷ đồng. Hiện HTX phát triển được gần 50 con bò, trong đó có 31 con bò sinh sản và khai thác sữa còn lại là bê con. Hàng ngày có 6 lao động thường xuyên chăm nuôi và khai thác sữa bò. Anh Lê Văn Thạch cho biết: hàng ngày HTX vắt sữa bò 2 lần với lượng sữa giao động từ 3 đến 3,2 tạ. HTX ký hợp đồng với Nhà máy sữa Ba Vì, cứ 2 ngày nhà máy lại đến lấy sữa một lần, sữa giao với giá 17.500 đồng/kg, như vậy thu nhập mỗi ngày từ sữa bò được trên 5 triệu đồng.

[caption id="attachment_1422" align="aligncenter" width="500"] Quy mô Hợp tác xã sữa bò tươi và con giống Hải Phòng[/caption]
Hợp tác xã hiện đang tiếp tục gây bò sinh sản lấy sữa, sau mỗi đợt sinh con, HTX giữ lại những con bê cái làm giống, dự kiến sẽ gây dựng và duy trì tối đa 70 con bò. Sau đó số bê con hàng năm sẽ bán cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi khác trong vùng. Với tốc độ phát triển như hiện nay, mỗi năm, mỗi con bò cái trưởng thành sẽ sinh một con bê con, trừ sắc suất bê đực thì chỉ trong vòng 1 đến 2 năm tới Hợp tác xã sẽ ổn định giống mà vẫn có sản phẩm sữa, bò thịt, bê con bán ra thị trường. Dự tính ban đầu, tổng thu nhập từ chăn nuôi bò sữa có thể lên đến hàng tỷ đồng/năm. Anh Lê Văn Thạch cho biết: cơ duyên đi đến việc thành lập mô hình này là do một người quen ở Đông Triều-Quảng Ninh đã chăn muôi lâu năm tư vấn và hướng dẫn quy trình thành lập và phát triển. Điều thuận lợi là anh Thạch đã thỏa thuận được với các hộ dân thuê được khu đồng trũng cấy lúa năng xuất thấp để chuyển mục đích sử dụng theo đúng chủ trương của nhà nước. Mặc dù ban đầu quy mô Hợp tác xã còn đơn sơ, các dụng cụ chăn nuôi, bảo quản sản phẩm có nhưng chưa đủ, xong hợp tác xã đã đi vào hoạt động theo quy trình, cho ra những sản phẩm ban đầu đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tận dụng sự giúp đỡ tạo điều kiện của các tổ chức, vay thêm vốn để đầu tư xây dựng HTX quy mô hơn, các quy trình đồng bộ hơn, hoạt động ổn định, phát triển. Đồng thời nhân rộng mô hình chăn nuôi này trên khắp địa bàn huyện An Dương nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung./.
Bài, ảnh: Đỗ Khắc Tuấn – PCTHND huyện An Dương
]]>

  • Tin mới đăng