Người cán bộ tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tổ chức gắn liền với cán bộ. Tổ chức mạnh là nhờ có cán bộ tốt. Bởi vậy, xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng phải gắn liền với xây dựng Đảng về tổ chức. Trong tình hình hiện nay, khi mặt trái của kinh tế thị trường ngày càng bộc lộ gay gắt, tiêu cực và tệ nạn xã hội thâm nhập cả vào trong các tổ chức đảng và đoàn thể, các cơ quan công quyền của bộ máy nhà nước, Đảng ta đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên. Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và cơ sở có đạt được kết quả như mong muốn hay không, một phần quan trọng tùy thuộc ở đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có mục tiêu lớn nhất là làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ từ trong Đảng để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong toàn xã hội. Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không dừng lại ở nhận thức mà phải tiến tới hành động, tức là làm theo gương sáng đạo đức của Người. Hai việc ấy không tách rời nhau mà gắn liền, thống nhất với nhau, thúc đẩy lẫn nhau trong từng con người, từng tổ chức, không chỉ trong Đảng mà còn trong dân, ở từng việc cụ thể, ở mọi nơi, mọi lúc, cụ thể, thiết thực. Một câu hỏi tưởng như không cần phải đặt ra là, trong cuộc vận động này, ai học và ai làm theo Bác, theo gương sáng đạo đức của Bác đây? Câu hỏi này xuất hiện ở cơ sở, từ những suy tư đầy tâm huyết và trách nhiệm với Đảng của mọi đảng viên. Để không phụ lòng tin của dân đối với Đảng, để xứng đáng với Bác, mỗi người trong tất cả chúng ta, dù đảng viên hay không đảng viên, ở mọi thế hệ, lứa tuổi, từ các em nhỏ đến người đã trưởng thành, dù làm gì, ở đâu… trong nước cũng như ngoài nước đều học Bác và làm theo Bác. Với mỗi người, qua việc học tập và làm theo gương sáng đạo đức Hồ Chí Minh, có thể tự mình thấy rõ mình đã ở đời và làm người như thế nào, như Bác dạy, ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm. Tất cả đều quy tụ ở bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính và hai nguyên tắc ứng xử: chí công toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp chung, vô tư biết hy sinh, biết quên mình vì dân vì nước. Đó là đạo lý, đạo nghĩa lớn nhất ở đời, là đạo làm người của người cách mạng. Từ quan niệm chung như vậy, người cán bộ tổ chức, người làm công tác tổ chức cán bộ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể cần phải học tập và làm theo gương sáng đạo đức Hồ Chí Minh như thế nào? Trước hết, cần tự ý thức sâu sắc về công việc mà mình phụ trách và trách nhiệm của mình với người, với việc, với tổ chức. Đây là công việc gốc của Đảng, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, bao gồm cả việc kiểm tra và đãi ngộ đối với cán bộ, nó liên quan không chỉ tới chính sách và thực hiện chính sách mà còn là cách đối đãi, cư xử với con người, là đối nhân xử thế trong phép dùng người. Trong Di chúc, Bác căn dặn, công việc đầu tiên là công việc với con người. Công tác tổ chức cán bộ là một công tác như thế và người cán bộ tổ chức là người thực hiện công tác này, mỗi ngày, mỗi việc đều liên quan trực tiếp tới con người. Công tác tổ chức cán bộ nổi bật mấy đặc điểm mang tính đặc thù là: Tính phức tạp. Đây là vấn đề con người, là quan hệ giữa người với người, gắn liền với lợi ích, cuộc sống, triển vọng phát triển của cán bộ và gia đình họ, mỗi khi người cán bộ được tổ chức xem xét, đánh giá, bố trí công tác, sử dụng, điều động. Sự nhạy cảm. Những diễn biến của hoạt động tổ chức và nhân sự đều nhanh chóng tạo ra những phản ứng và hiệu ứng không chỉ với từng cá nhân trong từng trường hợp cụ thể mà còn tác động tới tâm lý, thái độ, dư luận của số đông (trong nhóm, tập thể, cộng đồng…) hoặc đồng tình hay phản đối, hoặc tích cực, đồng thuận hay tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột. Tính nguyên tắc. Bởi công tác tổ chức cán bộ, tự nó đã gắn liền với các quy định về thể chế, luật lệ, quy định, chính sách phải được thực thi nghiêm chỉnh, nhất quán, không thể tùy tiện thay đổi, không thể chủ quan, cảm tính, càng không thể cảm tình, nể nang, thiên tư, thiên vị… nhất là trong những tình huống đề bạt, bổ nhiệm, lên lương, điều động thuyên chuyển, phải xử lý kỷ luật. Tính sáng tạo và sự tinh tế. Công tác tổ chức cán bộ và người cán bộ tổ chức đòi hỏi rất nhiều năng lực sáng tạo và sự trải nghiệm thực tiễn với sự phong phú của kinh nghiệm, vốn sống. Con người, tổ chức, công việc là động, không tĩnh, dù ổn định vẫn là biến đổi, dù nguyên tắc nhưng không máy móc, cứng nhắc, cho nên cần đến sự thấu lý đạt tình, có tình người trong khi giải quyết mọi việc liên quan tới con người, song không vì thế mà bỏ qua mọi nguyên tắc. Công bằng, công tâm, chính trực là yêu cầu khách quan, khoa học mà cũng là đòi hỏi đạo đức hàng đầu của người cán bộ tổ chức. Với người làm công tác tổ chức, làm việc với con người, mà mỗi người là cả một cuộc đời, một số phận, hơn ai hết, phải là người có lòng nhân ái, vị tha, công bằng, ngay thẳng, cân nhắc thận trọng khi xem người, xét việc, đề cao trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, có thái độ chính kiến rõ ràng, minh bạch khi đánh giá đúng, sai, tốt, xấu, được và không được, nên và không nên hoặc chưa nên… mỗi khi phải giải quyết một tình huống, một sự kiện với tổ chức và con người. Công tác tổ chức cán bộ tổng hợp ở trong đó cả chính trị – đạo đức và văn hoá. Người cán bộ tổ chức do đó phải am hiểu sâu sắc chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực sáng tạo, đầu óc cách tân, đổi mới, sự nhạy cảm và sự tinh tế. Tóm lại là phải có văn hoá trong khi làm việc với con người và đối xử với con người. Khách quan và trung thực, công tâm và trong sáng, không vụ lợi, vị kỷ – đó là những phẩm chất không thể thiếu, không thể yếu ở người làm tổ chức. Nói một cách thẳng thắn, trực diện hơn, đúng với tình hình, thực trạng hơn, thì điều đó có nghĩa là, người làm tổ chức phải không tham nhũng, không sách nhiễu, không lợi dụng, lạm dụng chức vụ, vị thế, công việc được giao để mưu lợi riêng một cách bất chính, bất nghĩa. Ai cũng vậy, nghề nào cũng vậy, nghề làm tổ chức càng phải như vậy. Ngành tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức nếu đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, gạt bỏ mọi hành vi hối lộ, xoá bỏ mọi sự khuất tất dù tinh vi, che đậy kín đáo dưới mọi vỏ bọc vẫn thường có thì chắc chắn sẽ tạo được đột phá trong cuộc chiến xoá bỏ “quốc nạn” mà Đảng đã có nghị quyết và Nhà nước đã ban hành đạo luật. Trong trường hợp này, làm theo gương sáng đạo đức Hồ Chí Minh, không chỉ thực hành cần kiệm mà cần và rất cần biến hai chữ “liêm”, “chính” thành hành vi liêm chính, lối sống liêm chính. Ông cha ta trong kinh nghiệm an dân trị quốc đã để lại bài học về liêm và dưỡng liêm. “Từ thụ yếu quy” – một cuốn sách quý mà ông cha ta để lại như sách gối đầu giường về làm quan thì phải ngay thẳng, trong sạch, biết từ chối mọi thứ quà cáp, biếu xén có tính lợi dụng, mua bán, đổi chác để giữ trọn nhân cách, khí tiết ngay thẳng, thanh cao… vào lúc này, đáng để cho chúng ta học tập, noi theo. Bác Hồ của chúng ta cũng như vậy. Một chuyện cảm động trong cuộc đời của Bác. Có lần Tỉnh uỷ Thái Bình biếu bác mấy cân gạo, Bác trả tiền, không phải trả cho Tỉnh uỷ mà trả cho dân, bởi Người thấu hiểu, mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi, nước mắt của dân làm ra. Bác có lần tặng bút cho các vị bộ trưởng mà trên thân bút có khắc dòng chữ “bút chống quan liêu tham nhũng”. Thiết thực, thâm thúy, sâu sắc biết bao trong ứng xử của Bác. Các cán bộ tổ chức nói riêng và mọi cán bộ, đảng viên, công chức nói chung lẽ nào không học những điều cụ thể ấy qua gương sáng đạo đức của Bác. Người cán bộ tổ chức hiện nay học tập và làm theo gương sáng đạo đức của Bác còn phải chú trọng thực hành tính nguyên tắc. Những quy định cụ thể của nguyên tắc tập trung dân chủ mà Bác thường nhấn mạnh rất có chủ ý là dân chủ tập trung, bởi Người luôn coi dân chủ là mục đích, là bản chất để tập trung không biến thành tập trung quan liêu, làm biến dạng tập trung dân chủ và xa lạ với dân chủ. Chú trọng thực hành kỷ luật công vụ, đạo đức công chức phù hợp với thực tế công việc trong ngành tổ chức, trong công tác cán bộ. Ở đây, trong công tác tổ chức ở cơ quan đảng, vấn đề bố trí nhân sự, giới thiệu cán bộ cho các cơ quan nhà nước và đoàn thể thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cấp uỷ đảng các cấp, nhưng nếu không hợp lý, xác đáng thì có thể ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và gây trở ngại tới hoạt động và hiệu quả công việc. Là cán bộ tham mưu, giúp việc cho cấp uỷ, cán bộ tổ chức phải đề cao trách nhiệm, điều tra nghiên cứu tỷ mỷ, đề xuất ý kiến, giải pháp có căn cứ, có trách nhiệm. Cẩn thận, chu đáo, nền nếp, tận tâm, tận lực là những đức tính mà người cán bộ tổ chức phải trau dồi thường xuyên, nó phải trở thành những giá trị gắn liền với “con người tổ chức”, “công việc tổ chức”, tự nhiên như nó phải có. Đây là những đảm bảo tin cậy cho chất lượng công tác mà nếu xảy ra khiếm khuyết thì cái hại là không nhỏ, nó có thể gây tổn hại tới công việc đã đành, nó còn làm yếu tổ chức và thương tổn tới cuộc sống, sự phát triển của con người – đối tượng của tổ chức. Cho nên, với người làm tổ chức, việc luyện trí, rèn tâm, sáng suốt, tỉnh táo, tôn trọng nhân cách con người, học cách cảm thông chia sẻ, học trách nhiệm và đạo lý, để hành trong đối nhân xử thế dường như là thường xuyên, mãi mãi, không biết bao nhiêu cho đủ, cho vừa. Trong cuộc sống, trên thực tế, nhiều cán bộ tổ chức của chúng ta đã làm được như vậy. Đó là những tấm gương tốt không chỉ có tác dụng trong ngành mà còn có sức lan toả trong xã hội, được mọi người ngưỡng mộ, kính trọng, được quần chúng tin yêu. Nhưng cũng không ít “con sâu làm rầu nồi canh”. Học tập Bác, phấn đấu làm theo Bác để không còn những “con sâu” đó nữa. Như đã nói, công tác tổ chức cán bộ là khâu xung yếu trong toàn bộ hoạt động và quyết định hiệu quả công việc của Đảng và Nhà nước. Người làm công tác tổ chức, do trực tiếp giải quyết công việc liên quan tới con người nên thường phải đối diện, đối mặt với nhiều tình huống phức tạp, cả những mâu thuẫn, xung đột. Biết kiên nhẫn, biết chờ đợi, hiểu rõ tâm tính con người, biết thuyết phục, biết cả kiềm chế, tóm lại là biết rõ nhân tình thế thái để giải quyết công việc và ứng xử với con người một cách có văn hoá – đó là cả một quá trình công phu rèn luyện, trưởng thành của người cán bộ tổ chức theo tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Người cán bộ tổ chức cũng như mọi người, khi thực sự có nhu cầu học tập và làm theo gương sáng đạo đức Hồ Chí Minh thì tự mình có thể chủ động tìm thấy những nội dung, những hình thức, những phương pháp học và hành cụ thể, thiết thực nhất, làm cho công việc có kết quả, bản thân mình tốt lên và góp sức thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ chung của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đó là cách thiết thực nhất góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhân tố quyết định thắng lợi của đổi mới. GS, TS. Hoàng Chí Bảo Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương ]]>

  • Tin mới đăng