Theo tin từ Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng, để tăng cường sự phát triển ngành thủy sản, tiếp cận công nghệ mới, giảm thiểu rủi ro cho người lao động, thành phố đã cho phép triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1793) trong bể xi măng không bùn tại Hải Phòng”. Đề tài do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng chủ trì thực hiện, ThS. Đặng Thị Thanh làm chủ nhiệm và được Hội đồng KH&CN cấp thành phố đánh giá tại Sở KH&CN chiều 9/12/2016.
Lươn được nuôi trong bể xi măng không bùn
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập chi tiết và đầy đủ các thông tin liên quan tới việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể không bùn trên thế giới, trong nước và tại Hải Phòng, làm cơ sở cho việc nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm và hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo lươn đồng trong bể không bùn phù hợp với điều kiện Hải Phòng. Địa điểm nghiên cứu thực nghiệm tại trại cá giống Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng. 960 cặp lươn đồng bố mẹ (tỷ lệ đực/cái là ½, lươn đực có trọng lượng 160-250 g/con, lươn cái từ 100-150 g/con) được thả nuôi trong 3 bể xi măng không bùn, mỗi bể có diện tích 16 m2. Thời gian thả nuôi từ tháng 4 tới tháng 9 dương lịch. Nghiên cứu về tốc độ sinh trưởng của lươn bố mẹ giai đoạn nuôi vỗ cho thấy, những tháng mùa Đông (từ tháng 11 năm trước tới tháng 2 năm sau), lươn bố mẹ 8,15 – 12,14 g/con/tháng. Nuôi vỗ từ tháng 3 tới tháng 9 cho tốc độ sinh trưởng cao hơn, đạt 16,35-16,59 g/con/tháng. Tỷ lệ sống của lươn bố mẹ cả 3 đợt nuôi vỗ đạt 80%, tỷ lệ thành tục đạt 88-90%. Lươn bố mẹ được cho sinh sản nhân tạo 3 đợt, tỷ lệ thụ tinh lần lượt đạt 55-60-65%; tỷ lệ đẻ lần lượt đạt 60-80-85%; tỷ lệ nở nhân tạo đạt 85-88-85%. Tổng số lươn bột thu được sau quá trình sinh sản nhân tạo là 124.539 con (trong đó đợt 1: 31.556 con, đợt 2: 42.120 con, đợt 3: 50.863 con).
Nghiên cứu tiến hành ương nuôi lươn bột lên thành lươn hương và lươn giống. Số lươn hương thu được sau quá trình ương nuôi là 50.783 con, tiếp tục được ương thành 45.658 lươn giống.
Sau khi hoàn thành thực nghiệm sinh sản nhân tạo lươn đồng trong bể xi măng không bùn tại Hải Phòng, nhóm nghiên cứu tiếp tục xây dựng quy trình kỹ thuật và thử nghiệm nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể xi măng không bùn tại Hải Phòng từ nguồn giống sinh sản nhân tạo. Quy trình gồm các khâu: chuẩn bị hệ thống bể nuôi, các trang thiết bị, dụng cụ nuôi, hệ thống xử lý nước, con giống; chăm sóc quản lý, phòng trừ dịch bệnh và thu hoạch. Kết quả nuôi thương phẩm trên 3 bể có diện tích 15-17,5-17,5m2, mật độ thả lần lượt là 100-200-300con/m2, lượng giống thả 1.500-3.500-5.250 con, cho tỷ lệ sống lần lượt đạt 72,5-70-68%, năng suất đạt 15-23,8-30,7 kg/m2, tổng thu 218-417-537 kg; lãi ròng ở mỗi bể là 994.000-1.032.200-842.857 đ/m2.
Đề tài được Hội đồng KH&CN cấp thành phố đánh giá cao nhờ khả năng ứng dụng tốt trong thực tế. Đây sẽ là cơ sở để chủ động sản xuất lươn giống, giảm giá thành con giống, phục vụ nghề nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn thành phố
Từ lâu, lươn đồng được đánh giá là một trong những mặt hàng thủy sản nước ngọt có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời là một vị thuốc tốt. Thịt lươn có vị ngọt, tính ấm, không độc, bổ gan, tỳ thận, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương, điều hòa khí huyết, vì vậy, lươn luôn được coi là loài đặc sản quý, được nhiều người ưa chuộng. Lươn không những được tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường thế giới như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, EU… Giá lươn trong nước luôn ổn định ở mức từ 150.000-200.000 đ/kg. Nuôi lươn đồng không tốn nhiều diện tích nhưng nghề nuôi lươn ở nước ta lâu nay không phát triển vì chưa sản xuất được con giống nhân tạo./.
]]>