Nét đẹp văn hoá từ Làng nghề truyền thống rượu nếp cái, nếp cẩm Đồng Giá, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Làng văn hoá Đồng Giá, xã Thiên Hương, huyện Thuỷ Nguyên có trên 2.000 nhân khẩu, với hơn 600 hộ dân trong làng làm nghề nếp cái nếp cẩm, trong đó hội viên nông dân theo nghề này là 85 hộ. Cứ vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/5, hay theo cách gọi dân gian của người Việt Nam là “Tết giết sâu bọ”, người dân trong làng lại rộn ràng, tất bật với việc làm rượu nếp.

Theo chân các anh chị nhà báo, chúng tôi đến thăm nhà hội viên nông dân tiêu biểu trong nghề làng nghề – anh Lý Văn Hưng, sinh năm 1969, thôn 6, làng văn hoá Đồng Giá, xã Thiên Hương. Vừa bước chân vào cửa ngõ, mùi thơm đặc trưng của món ruợu nếp cái nếp cẩm đã lan toả khắp nơi; không khí trong nhà như một ngày Tết thực thụ khi mà ông bà, bố mẹ con cháu quây quần bên khoảng sân rộng, với những mẻ gạo nếp, những chiếc nồi, nong nia, lá sen, những giá xôi, vừa ra lò, mỗi người một việc trong quy trình làm rượu nếp, ai nấy đều tỉ mỉ, cần mẫn đến công đoạn cuối cùng để cho ra những mẻ rượu nếp thơm, ngon mang hương vị đặc trưng của làng  nghề truyền thống .

Nét đẹp văn hoá từ Làng nghề truyền thống rượu nếp cái, nếp cẩm Đồng Giá, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Nghe anh tâm sự: “gia đình anh đã làm nghề này từ rất lâu, cũng không biết từ bao giờ, chỉ biết rằng lúc anh sinh ra thì ông bà, bố mẹ đã làm nghề này rồi, đến giờ anh vẫn duy trì và phát triển, truyền lại cho con cháu”; anh cho biết thêm: để làm được những mẻ rượu nếp thơm ngon, chuẩn vị, người làm nghề phải làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, phải rất công phu thì mới đạt đến độ đã ăn một lần thì đảm bảo “say” lòng người thưởng thức. Có hai loại rượu là rượu  nếp cái và rượu nếp cẩm có công dụng và quy trình làm như nhau. Để tạo nên những mẻ rượu nếp ngon, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mẩn. Rượu được làm từ thứ gạo nếp được tuyển chọn kỹ lưỡng. Ấy là loại nếp cái hoa vàng , nếp cẩm rừng Tây Bắc  có độ tròn, mẩy, mùi thơm, màu trắng đục. Khi xay xát, người ta thường chỉ tách bỏ lớp trấu mà giữ nguyên lớp vỏ lụa bọc bên ngoài. Bởi theo dân gian, lớp vỏ lụa sẽ giúp cho rượu cái mềm nhưng không nhũn lại có nhiều chất dinh dưỡng và vị thuốc tốt cho xương, khớp. Sau khi xay xát, phải dày công nhặt gạo; loại bỏ những hạt đen, thối và hạt tẻ gây ảnh hưởng đến chất lượng rượu nếp. Nếu cẩu thả bỏ qua công đoạn này, rượu nếp thành phẩm sẽ có vị đắng, sượng, sống, khi ăn sẽ thấy lẩn mẩn trong miệng, chất lượng rượu nếp sẽ kém. Ngâm gạo 1 đêm cho nở mềm, đưa vào đồ hai lần, lần một là khi xôi chín tới, bỏ ra sấp nước lạnh rồi cho vào xôi lần 2; tùy theo lượng gạo mỗi nồi. Đến khi xôi chín hẳn có mùi thơm lừng mang dàn mỏng ra nia rồi để xôi “tắm” gió cho nguội hẳn rồi mới tiến hành ủ men. Men được làm từ 24 vị thuốc bắc được ủ “đến độ” và không quá non.

Đến công đoạn ủ,  lấy lá sen để ướp, ẩn hương thơm của lá sen trong rượu. Lá sen để làm rượu phải là sen bánh tẻ, không quá non mà cũng không quá già. Cứ một lớp xôi đồ, lại rắc một lớp men đã được giã nát; men và xôi phải được trộn tỷ lệ sao cho phù hợp và dàn đều để xôi lên men đều. Vào mùa hè nắng nóng, chỉ cần ủ 2 ngày là đã cho ra một mẻ rượu nếp  thơm, ngon.. Nếu không có kinh nghiệm, ngả rượu nếp mùa đông rất dễ hỏng hạt gạo bị xượng khó lên men. Rượu nếp  thành phẩm phải mềm, mọng, màu óng mướt, nước rượu màu vàng đục cùng với vị thơm thơm của rượu, của xôi đã lên men quyện trong vị thuốc bắc thơm lừng.

Rượu nếp  cái ngon còn ở chỗ, người thưởng thức thong thả nhâm nhi từng miếng nho nhỏ, nhai thật chậm rãi, cảm giác rất thảnh thơi vừa ăn vừa cảm nhận để cái vị rượu nếp thấm dần vào vị giác ngòn ngọt, thơm bùi. Đặc biệt, nó còn rất giàu chất dinh dưỡng, bồi bổ cơ thể, kích thích tiêu hóa hay các bệnh về xương, khớp… Vì vậy, ngày nay, rượu nếp không chỉ ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ mà còn trở thành món ăn hằng ngày trẻ con hay người lớn đều ăn được.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhu cầu của thị trường với rượu nếp cái, nếp cẩm tăng lên rõ rệt. Gia đình anh Lý Văn Hưng đã làm 1,5 tấn rượu nếp cái và rượu nếp cẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài làng nghề. Gia  đình anh còn cung cấp khoảng hơn 10 tấn gạo cho các hộ dân trong làng làm nguyên liệu.

Đến với làng văn hoá  đồng giá  xã Thiên Hương, những ngày này thơm nức mùi vị rượu nếp. Nhà nhà, người người ngả rượu rồi  đi khắp các chợ để bán. Không chỉ ngả rượu bằng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn mà mõi người dân làng đồng giá  còn ngả rượu bằng tình yêu nghề được vun đắp qua cả cuộc đời thăng trầm theo từng mẻ rượu.

Chúng ta cùng ủng hộ và chúc cho làng nghề Đồng Giá xã Thiên Hương sẽ giữ gìn và phát huy mãi nét đẹp truyền thống này nhé./.

Nguyễn Thị Tứ – Phó Chủ tịch HND huyện Thủy Nguyên

  • Tin mới đăng