Đó là một trong những thông điệp từ một chuyến đi thực tế của Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân việt Nam.
Theo báo Dân Việt đã đưa tin, chuyến thăm, làm việc tại 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng những cán bộ hội, người nông dân nơi đây. Ấn tượng nhất của chuyến đi này, có lẽ chính là việc “người thủ lĩnh hội” đã truyền tải nhiều thông điệp mới về công tác hội, về người nông dân, về xây dựng nông thôn mới…
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn thăm mô hình nuôi lợn của ông Đặng Anh Tuấn ở Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: Cảnh Thắng
1. Gỡ khó ngay từ cơ sở
Mặc cho thời tiết thất thường (sáng nóng, trưa đôi khi mưa rả rích, chiều mây gió vần vũ… ) lúc đó ở Hà Tĩnh, Nghệ An, nhưng lịch trình làm việc của Đoàn công tác do Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam vẫn tập trung hướng trực tiếp về phía ruộng đồng và những cơ sở chăn nuôi. Trên đường đi đến Hà Tĩnh, Chủ tịch Lại Xuân Môn đến thăm ngay mô hình nông dân liên kết nuôi bò ở xã Thạch Hà, ngoại thành thành phố Hà Tĩnh. Sau khi thăm đàn bò giống nhập ngoại béo mượt, sắp đến kỳ xuất chuồng, lắng nghe Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò ở đây chia sẻ về hiệu quả của mô hình sản xuất, cũng như nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khó khăn “không có vốn, thiếu vốn, nông dân không dám mở rộng chăn nuôi, khó thoát được nghèo”. Ngay tại chỗ, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã chỉ đạo: “Quỹ Hỗ trợ nông dân nâng hạn mức cho vay cá nhân từ 50 triệu đồng lên 100 triệu”.
Cũng trong chuyến đi, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đến thăm mô hình nuôi lợn công nghệ cao do nông dân hợp tác với doanh nghiệp thực hiện tại xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên. Tại đây, ông đã chia sẻ với những trăn trở của người nông dân về việc “đầu ra” của nhiều nông sản, trong đó có sản phẩm lợn, hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, ông hứa sẽ tham mưu với Chính phủ cách gỡ tình trạng khó khăn này.
Trong chuyến đi, ngay Hội trường Tỉnh ủy Nghệ An, chiều 16/8/2016, cuộc họp với các cán bộ chủ chốt của tỉnh bàn về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội Nông dân Nghệ An, trong đó có việc xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Công trình sau nhiều tháng tiến hành giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa được khởi công xây dựng. Sau khi nghe các ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Lại Xuân Môn thẳng thắn: “Công trình này rất có ý nghĩa với người nông dân xứ Nghệ, ngoài đào tạo nghề đặc thù cho người dân, còn là nơi tổ chức rất nhiều các hoạt động hỗ trợ nông dân. Tỉnh cần hỗ trợ, giải quyết ngay việc giải phóng mặt bằng. Vướng mắc là ở tỉnh, đề nghị các anh gỡ ngay. Còn ở trên này, chúng tôi sẽ không để công trình thiếu vốn. Có đất sạch, tôi sẽ cho chuyển tiền về khởi công ngay.” Nghe câu đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cười rất tươi: “Tỉnh còn nợ giải phóng mặt bằng cho trung tâm hơn 3 tỷ đồng. Đây là số tiền không lớn, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các ngành liên quan giải quyết ngay”.
2. Phải tin người nông dân
Xuyên suốt tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân Việt Nam là phải tìm mọi cách bảo vệ người nông dân. Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An- con chim đầu đàn của cả nước về sản xuất, cung ứng phân bón trả chậm; là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Lại Xuân Môn nhắc đi nhắc lại thông điệp: “Phải tin tưởng và bảo vệ nông dân”. Theo ông, tin tưởng nông dân nghĩa là Tổng công ty hãy tiếp tục mạnh dạn tổ chức bán hàng phân bón trả chậm cho nông dân. Nông dân ta dù nghèo, nhưng thật thà, đã vay là trả, không nợ nần, dây dưa. Còn bảo vệ nông dân chính là phải có trách nhiệm cung cấp phân bón chất lượng cho nhà nông, không được lợi dụng sự hiền lành, kém hiểu biết của người nông dân để cung cấp phân bón giả hoặc kém chất lượng.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Lại Xuân môn dẫn lại câu chuyện của Công ty Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) sản xuất phân bón giả bán cho nông dân đang xôn xao dư luận gần đây, đồng thời đưa ra quan điểm: “Việc xử lý công ty này còn đang có nhiều tranh cãi, có cơ quan bảo chỉ nên xử lý hành chính, có cơ quan nói phải xử lý hình sự. Quan điểm của tôi là phải xử lý hình sự và tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng nói rõ quan điểm này!”.
Tại cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng vậy, ông cho rằng, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đang ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân. Do đó, cùng với các ban, ngành của Trung ương thì địa phương phải xắn tay giúp nhà nông khôi phục sản xuất, bảo vệ họ trước hiểm họa môi trường. “Từ các cấp ủy đảng, đến các cấp hội cần bảo vệ nông dân tránh các hiểm họa môi trường, hàng giả, hàng nhái, được mùa mất giá, tín dụng đen… Đó là tư tưởng cốt lõi trong công tác Hội thời gian tới”- Chủ tịch Lại Xuân Môn nói.
Trước đông đảo cán bộ hội tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Lại Xuân Môn chia sẻ là ông đang tổ chức nhóm các nhà khoa học phản biện 4 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông thôn mới. Trong đó, ông đặt vấn đề, xây dựng nông thôn mới mang lại bộ mặt mới cho nông thôn, nông dân, nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân: vì sao nhiều địa phương nợ nần lớn thế? Nông dân nhiều xã nông thôn mới vẫn khổ, thu nhập rất thấp? Sau khi xây dựng nông thôn mới xong thì cần làm gì? … Qua đó, mới xác định rõ những hạn chế, bất cập của chính sách này nhằm bảo vệ người nông dân thiết thực, nhiều hơn.
3. Không xếp hàng ngang
Ở Nghệ An, khi xuống thăm mô hình của nông dân tỷ phú nuôi lợn Đặng Anh Tuấn (xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương). Biết ông Tuấn đã từng 2 lần thất bại và trắng tay, rồi nhờ chịu khó làm ăn mới có cơ nghiệp như ngày hôm nay, Chủ tịch Lại Xuân Môn khen ngợi, động viên và mong ông Tuấn cũng như nhiều nông dân giỏi trong cả nước “cần thêm nhiều khát vọng làm giàu hơn nữa”.
Theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, muốn làm giàu không có cách nào khác nông dân phải tham gia vào các chuỗi liên kết giá trị, đồng thời “Nông dân liên kết rồi vẫn chưa đủ. Cần phải phát huy vai trò là bệ đỡ, hỗ trợ của chính quyền, của các đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân”. Nguyên nhân “Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, chúng ta bắn chỉ thiên nhiều quá, cần phải bắn có địa chỉ. Công việc của Hội tới đây cũng thế, không thể dàn hàng ngang, cái gì cũng làm. Phải chọn 1-2 việc trọng tâm, trọng điểm, chọn các mô hình để đầu tư, rồi nhân rộng ra toàn quốc…”.
Chuyến đi của “Thủ lĩnh Hội Nông dân Việt Nam” tới Hà Tĩnh, Nghệ An đã kết thúc trong thời tiết mưa gió, cả đoàn công tác khá vất vả, nhưng đó là 1 chuyến đi thành công vì chuyển tải được rất nhiều thông điệp mới về công tác hội, về người nông dân, về xây dựng nông thôn mới…; đồng thời cũng đã giải quyết được 1 số khó khăn lớn của Hội Nông dân ở 2 tỉnh: nhưng trên hết là đã khẳng định tinh thần của người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân- đại diện cho giai cấp nông dân Việt Nam là cần có sự thay đổi theo hướng hoạt động hiệu quả hơn./.
(Tin và ảnh: NTT sưu tầm từ nguồn báo Dân Việt)]]>
