Mô hình nuôi vịt trời ở Kiến An, Hải Phòng. Trong những năm gần đây, mặc dù không còn xa lạ tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc cũng như ở một số địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nuôi vịt trời còn khá mới mẻ với bà con nông dân Hải Phòng.
Với mong ước “bình dân” hóa loài đặc sản này, 2 anh Trần Thành Luận và Nguyễn Minh Trường, ở tổ dân số Đồng Tử 3, phường Phù Liễn (quận Kiến An) có được thành công bước đầu khi “rước” vịt trời về nuôi tại đất Cảng.
Vịt trời có phần mỏ nửa vàng, nửa đen rất dễ nhận biết
Vừa dẫn khách thăm quan đàn vịt trời đông đúc đang quàng quạc đòi ăn, anh Trường vừa tranh thủ tâm sự quãng thời gian mà anh cùng anh họ là anh Nguyễn Thành Luận phải lao tâm, khổ tứ, thậm chí nhiều lúc gạt nước mắt, để chúng sống được và sống khỏe trên đồng đất quê hương. Anh gắn bó với nghề làm trang trại từ năm 1990 khi quyết định thuê hơn 6.000 mét vuông ao đầm ở chân núi Vọ để ươm nuôi các loại cá giống như trắm, trôi, mè, chép, chim… Sau ngót 25 năm, quay đi, ngoảnh lại vẫn 2 bàn tay trắng bởi nghề nuôi cá giống chủ yếu lấy công làm lãi, lại chịu nhiều rủi ro do bệnh tật, giá lên xuống thất thường và đầu ra không được bảo đảm. Hồi giữa năm 2015, đương lúc chán nản, anh Luận rủ đi thăm bạn cũng đang làm trang trại ở tỉnh Bắc Giang, anh Trường “gật cái rụp”. Chính cái gật đầu và quyết định đi Bắc Giang thời gian đó thay đổi cuộc sống và công việc của 2 anh.
Vịt trời được nuôi trong đầm chẳng khác gì vịt nhà
Mê mẩn trước trang trại nuôi vịt trời của người bạn, anh Luận quyết định từ bỏ nghề kinh doanh điện thoại, còn anh Trường, dù vẫn ươm nuôi cá giống nhưng giờ chủ yếu cho vịt ăn, để chung vốn, chung sức nuôi vịt trời. Sau khi dọn vét ao, quây tướt, làm chuồng, mua máy xay thức ăn, 2 anh nhập 500 con vịt giống từ Bắc Giang với giá 30.000 đồng/con. Sau gần 1 tháng, do thiếu kinh nghiệm, 2 anh trả giá khi gần 300 con lăn ra chết. Tuy gạt nước mắt chôn đám vịt chết, nhưng anh Trường và anh Luận vẫn không từ bỏ. Sau khi lên mạng internet tìm hiểu về kỹ thuật nuôi vịt trời cũng như tìm đến trang trại nuôi vịt trời ở nhiều nơi để học hỏi, một tháng sau, 2 anh tiếp tục nhập thêm 300 con giống nữa để có đàn “gối” bảo đảm nguồn cung ra thị trường. Khi nắm vững kỹ thuật nuôi cũng như cẩn thận tuyển lựa con giống, đàn thứ 2 này, số vịt chết chưa đến 20 con chủ yếu do chuột cắn. Đến nay, các anh thành công trong việc “gột” đàn thứ 3. Qua hơn 1 tháng tuổi, đa phần đàn vịt khỏe mạnh và lớn nhanh như thổi trong khi tỷ lệ chết chưa đến 5%.
Mỗi ngày 2 lần, anh Luận gọi đàn vịt về ăn
Anh Trường tâm sự, so với vịt nhà, nuôi vịt trời vất vả hơn nhiều. Trong 15 ngày đầu tiên, 2 anh phải thay ca thức cả đêm cho vịt ăn, thay nước, bảo đảm điện thắp sáng cũng như kiểm tra nhiệt độ. Sau 15 ngày “gột” thì đưa vịt xuống ao. Lúc này cần chú ý sao bảo đảm chế độ ăn, phòng chống bệnh tật, nhất là khi trời quá nóng, quá lạnh hoặc thời tiết thay đổi đột ngột. Vịt nuôi khoảng 70 ngày tuổi thì có thể bay được. Dù thả “buông” ở ao, nhưng không con nào bay mất. “Vịt quây quần theo đàn ít có chuyện một vài con tự ý bay mất. Mà theo kinh nghiệm, chỉ cần cho ăn đầy đủ, đúng giờ và thắp sáng bằng ánh đèn điện về đêm, thì chúng sẽ quanh quẩn trong ao và chuồng thôi”- Anh Luận cho biết.
Chiều lòng khách, anh Trường lội xuống ao quây bắt những con vịt vừa đến tuổi xuất chuồng
Được biết, để bảo đảm sức khỏe cho bầy vịt cũng như chất lượng thịt, các anh mày mò cách pha trộn để tạo thành thức ăn tổng hợp. Thành phần thức ăn cho đàn vịt gồm cá đối, tép biển nấu chín xay cùng với đậu tương rang thơm, thóc, ngô và theo từng giai đoạn mà có tỷ lệ pha trộn khác nhau. Ngoài ra, cần cho vịt ăn thêm các loại rau như bèo tây, lá su hào, bắp cải, rau muống… Theo anh Trường, vịt trời khác vịt nhà ở phần mỏ (nửa đen, nửa vàng), phần cánh có lớp lông màu xanh cánh chả, khi vịt đến độ tuổi xuất chuồng (từ 100 ngày trở lên) rút chiếc lông ở phần đuôi cánh sẽ thấy khô chứ không ướt. Khi giết mổ, vịt trời không có diều, không cần xử lý với rượu, nước gừng mà thịt vẫn có mùi thơm đặc trưng.
Phần cánh vịt trời có màu xanh cánh chả nhìn khá đẹp mắt
Dăm bảy năm trở về trước, vịt trời hoang dã được bán tại các nhà hàng có giá gần 1 triệu đồng/con. Hiện khi nuôi thành công, dù giá có giảm, nhưng vịt trời vẫn là đặc sản với giá 300-400 nghìn đồng/con, thậm chí còn hơn. Tuy nhiên trên thực tế, trừ chi phí thức ăn, giống, nhân công, giá thành mỗi con vịt trời (loại trưởng thành từ 1 đến 1,3kg) chỉ trên dưới 100 nghìn đồng. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô hơn nữa, gây đàn vịt đẻ để chủ động nguồn giống, vừa tìm hiểu thị trường và chào hàng lứa vịt tiếp theo. Lứa vịt đầu tiên chúng tôi đã bán hết chủ yếu cho bạn bè, một số nhà hàng, cơ sở buôn bán trong thành phố và tỉnh Quảng Ninh. Với giá chỉ hơn 100 nghìn đồng/con trong khi chất lượng thịt được bảo đảm, chúng tôi mong muốn “bình dân hóa” bằng cách đưa con vịt trời vào bữa cơm của mỗi gia đình!”. (Thu Hằng-Theo HP)]]>