Mô hình kinh tế: trồng táo Bàng La và chế biến cá thu “một nắng”- đặc sản truyền thống của Đồ Sơn, Hải Phòng

Cùng các ngành nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng cho ngành nông nghiệp Hải Phòng luôn được quan tâm giữ gìn và phát triển. Là 2 trong số các nông sản đặc trưng của Đồ Sơn, táo Bàng La và cá thu “một nắng” từ lâu đã gắn liền với đời sống, với sự phát triển kinh tế của người nông dân ở Đồ Sơn; được người nông dân Đồ Sơn đầu tư trồng trọt, chế biến với chất lượng ngày càng nâng cao, đảm bảm an toàn lớn nhất cho người tiêu dùng. Trong những năm qua, táo Bàng La và cá thu “một nắng” của Đồ Sơn ngày càng được nhiều người quan tâm sử dụng, thị trường tiêu thụ được mở rộng không chỉ trong thành phố Hải Phòng, mà còn được biết ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của 2 loại đặc sản này vẫn chưa thực sự ổn định và phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thị trường tiêu thụ đặc sản của làng nghề truyền thống ở Hải Phòng nói chung, của 2 loại đặc sản Đồ Sơn nói riêng này còn hạn chế, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có thể nói là: công tác quảng bá sản phẩm chưa thực sự quan tâm thực hiện có bài bản; việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm còn chưa được coi trọng đúng mức nên còn bị trà trộn với những sản phẩm kém chất lượng. Khắc phục thực trạng này, năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 1079/QĐ-UBND “về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, xác lập nhãn hiệu, chứng nhận tập thể cho các đặc sản, làng nghề truyền thống của Hải Phòng”, trong đó có táo Bàng La và cá thu “một nắng” của Đồ Sơn. Ngày 14/9/2015, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ độc quyền và quyết định cấp chứng nhận cho 2 sản phẩm đó. Đồng thời, với sự quan tâm tạo điều kiện của Sở Khoa học – Công nghệ, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư thành phố Hải Phòng, Phòng kinh tế quận Đồ Sơn, người nông dân Đồ Sơn đã tham gia nhiều hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm; xây dựng nhiều phóng sự truyền hình về quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm; tập huấn các lớp kiến thức về khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, xây dựng logo nhãn hiệu, bao bì đựng sản phẩm với các biển chỉ dẫn, nhãn mác… Cùng với việc chính thức được công nhận (từ lòng tin của người tiêu dùng đến sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng thành phố, Trung ương), mô hình chế biến, trồng trọt 2 loại đặc sản nói trên của Đồ Sơn, Hải Phòng hoạt động ngày càng bài bản hơn, quy mô tăng dần và hiệu quả quả ngày càng cao. Quy mô hiện nay của mô hình chế biến cá thu “một nắng” (theo hộ gia đình) ở Đồ Sơn được mở rộng: bình quân diện tích sản xuất kinh doanh mỗi hộ từ 50-150m2; tổng số hộ kinh doanh lĩnh vực này trên địa bàn toàn quận Đồ Sơn là 46 hộ. Số vốn đầu tư ban đầu của mỗi hộ bao gồm có 2 nguồn vốn: vốn cố định (kho lạnh, bảo quản, xây dựng hạ tầng khu chế biến và các trang thiết bị phục vụ cho chế biến); vốn lưu động (mua sản phẩm cá thu tươi, muối, lương nhân công…). Thị trường tiêu thụ của sản phẩm không những trên địa bàn quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, mà còn ở các tỉnh trong cả nước. Doanh thu khoảng 70 tỷ đồng/năm; lãi từ 15.000đ đến 20.000đ/kg, có thời điểm tới 30.000đ/kg. Càng ngày, cá thu “một nắng” Đồ Sơn càng khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm qua việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

Ảnh: Cụ Phạm Thị Cọt với nghề chế biến hải sản truyền thống ở Đồ Sơn, Hải Phòng

 

Ảnh: Sản phẩm cá thu phơi “một nắng” của  Đồ Sơn, Hải Phòng sau khi được đóng bao li lông có hút chân không để bảo quản. 

Song cùng với mô hình chế biến cá thu “một nắng”, trái táo Bàng La ở Đồ Sơn cùng ngày càng được khẳng định thương hiệu của mình; thị trường tiêu thụ được mở rộng; chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng cao; số lượng cây táo được trồng tăng lên. Diện tích đất canh tác dành cho việc trồng táo ở Bàng La đã tăng nhanh chóng (từ 73,5 ha vào năm 2014, đến nay là 95,7ha). Quy mô trồng táo được mở rộng ở 14/14 tổ dân phố; hộ có diện tích trồng lớn nhất lên 7.200m2 với khoảng 300 gốc táo; hộ có diện tích nhỏ nhất là 300m2 với khoảng 15 đến 20 gốc táo. Năng suất trung bình là 25-27 tấn/ha; cho thu nhập bình quân từ 300 đến 400 triệu đồng/ha.

Ảnh: Cây táo được trồng ở Bàng La, Đồ Sơn, Hải Phòng đang mùa thu hoạch

Ảnh: Táo trồng ở Bàng La, Đồ Sơn, Hải Phòng đã được đóng gói trong túi lưới, có dán logo nhận diện sản phẩm

Để phát triển bền vững và bảo vệ thương hiệu 2 đặc sản của Đồ Sơn (cá thu “một nắng” và táo Bàng La); tránh tình trạng “cung vượt quá cầu”, giá thành sản phẩm hạ làm cho người nông dân gặp khó khăn, các cơ quan chức năng thành phố ngoài việc cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ cho người nông dân về vốn, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại áp dụng sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường quảng bá thương hiệu, tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phổ biến các kiến thức tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến thương mại…; mà còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cấp hội nông dân quận Đồ Sơn định hướng cho người nông dân mở rộng quy mô sản xuất phù hợp thực tế, tìm được “đầu ra” thường xuyên cho 2 loại đặc sản đó ./. (Bài, ảnh: Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân quận Đồ Sơn)]]>

  • Tin mới đăng