Làng Lạng Côn xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy nổi tiếng với nghề làm bánh đa. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời gắn với truyền thuyết về vị thành hoàng làng có công dạy dân làng làm nông nghiệp và chế biến bánh đa, một món ăn dân dã quen thuộc, gần gũi với mọi người dân nơi đây.
Phơi bánh đa dưới ánh nắng mặt trời
Người dân Lạng Côn chủ yếu sản xuất bánh đa nướng, nguyên liệu chính làm từ gạo, những hạt gạo được tuyển chọn kỹ càng từ các giống lúa địa phương. Gạo cho vào ngâm mềm, vo sạch và cho vào máy xay để tạo thành bột sánh mịn. Sau khi xay, bột được mang đi tráng mỏng, bánh được tráng không quá dày và quá mỏng, đủ độ phồng để bánh nở giòn khi nướng. Những chiếc bánh đa Lạng Côn thơm và giòn hơn khi được phơi dưới ánh nắng mặt trời, không phơi kiệt, cũng không cất bánh đi ngay để tránh giòn gẫy, khó bảo quản trong quá trình vận chuyển.
Người dân nướng bánh đa
Làng nghề làm bánh đa thôn Lạng Côn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu làng nghề vào năm 2014. Hiện nay, làng nghề có gần 30 hộ tham gia sản xuất, sản phẩm bánh đa Lạng Côn được người tiêu dùng vô cùng ưa chuộng và đặt mua. Sản lượng bánh đa bán ra mỗi ngày tăng lên từ 150.000- 250.000 cái/ngày, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Một số hộ có quy mô sản xuất lớn như hộ ông Trịnh Văn Đính, Hoàng Văn Mạch, Phạm Văn Phác, Hoàng Văn Duyên sản xuất trung bình 5.000-6.000 cái/ngày, giá bán bình quân 1.100-1.200 đồng/cái. Trung bình mỗi sản xuất bánh đa tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương, sau khi trừ chi phí lợi nhuận bình quân 15-20 triệu đồng/hộ/tháng. Nhờ vậy mà đời sống người dân địa phương nơi đây cũng được cải thiện rõ rệt, người lao động có thêm việc làm với mức tiền công từ 300 – 400 nghìn đồng mỗi ngày. Những ngày trời nắng đẹp, trên các khoảng sân rộng, khu đất trống, các tuyến đường vào làng…rợp một màu trắng, màu đỏ gấc của những phên bánh đa được phơi đón nắng./.
Phạm Thị Thủy, Hội Nông dân huyện Kiến Thụy