Không chỉ trồng rau sạch xuất bán, những người nông dân ở Trác Văn (Duy Tiên – Hà Nam) giờ còn một nghề mới đó là hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ”.
Gần đây, nhiều đoàn khách quốc tế về thăm quan Trác Văn (Duy Tiên – Hà Nam) cũng xắn quần lội ruộng, cày cuốc, nhễ nhại mồ hôi để trồng rau. Họ thích được trải nghiệm những tour du lịch đậm chất dân dã. Sau 3 năm triển khai và xây dựng, giờ đây tổ hợp tác sản xuất rau sạch ở xã Trác Văn, đã mở rộng thành 4 nhóm riêng biệt với tổng diện tích gần 6ha.
Thanh Thủy đi đầu và cũng là nhóm sản xuất thí điểm rau sạch có hiệu quả với sản lượng rau xuất bán ra thị trường thuộc diện lớn nhất. Theo nguồn tin từ Nông nghiệp Việt Nam, ngay từ năm 2014, khi có chủ trương tích tụ ruộng đất, có nhiều người nông dân ở Trác Văn đã có ý tưởng hợp tác trồng rau sạch. Ngay khi xây dựng mô hình này, các hộ nông dân trồng thí điểm gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, không những về quy trình trồng rau sạch, mà còn việc rau trồng thu hoạch chưa có thương hiệu, thiếu thị trường, giá bán rẻ như cho vẫn ế, đầu ra chưa ổn định…nhưng các hộ này đều rất tin tưởng vào nghề trồng rau sạch. Số tiền đầu tư có hộ đã tới vài trăm triệu, rau bán lấy vốn xoay vòng, người trồng chưa có công. Nhưng cũng có hộ do làm lâu, đã có đầu ra ổn định. 90% sản lượng rau được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (Hà Nội) thu mua. Phần còn lại, xuất bán trong địa phương không đủ, nhiều lúc cháy hàng. Tháng cao điểm, nhóm Thanh Thủy xuất khoảng 3 tấn rau, củ, quả các loại. Các loại rau được bán theo kiểu đồng giá 15 nghìn đồng/kg. Rau thơm thì được giá hơn, 20 nghìn đồng/kg. Không chỉ làm rau, thỉnh thoảng các thành viên trong nhóm còn được làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”. Thỉnh thoảng, tổ hợp tác Trác Văn lại đón đoàn từ các tỉnh về tham quan, học hỏi mô hình sản xuất rau sạch. Không chỉ trong nước, nhiều đoàn khách nước ngoài cũng được các tour tổ chức du lịch kiểu “home stay”. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng bằng hành động chân tay, những hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ” đã giúp những du khách nước ngoài có chuyến đi đáng nhớ.
Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trác Văn cho biết, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, địa phương sẽ xây dựng khoảng 23ha sản xuất rau sạch theo hướng VietGAP. Ban đầu, ít hộ tham gia vì không tin tưởng vào thành công của mô hình. Nhưng đến đầu năm 2016, khi nhận thấy hiệu quả từ nhóm Thanh Thủy, nhiều hộ dân đồng loạt đăng ký chuyển đổi sản xuất. Từ đó, các nhóm sản xuất rau sạch Hồng Thủy, Nguyên Đức, Thanh Huyền… lần lượt ra đời. Do mới sản xuất, sản lượng của 3 nhóm này mới chỉ đạt khoảng 1 tấn/tháng. Toàn tổ hợp tác, mỗi tháng sẽ xuất ra thị trường khoảng 6 tấn rau, củ, quả. Ông Phóng hồ hởi khẳng định, cho tới thời điểm này, xã không phải đi vận động, người dân vẫn tự giác làm đơn xin chuyển đổi. Tương lai về vùng rau sạch 23ha của xã Trác Văn sẽ không còn xa.
Thu nhập của người trồng rau ở Trác Văn được tính chấm công theo giờ. Lợi nhuận được bao nhiêu, trích một phần làm vốn xoay vòng, còn lại chia đều theo số giờ làm việc trung bình, rau đem lại thu nhập cho mỗi thành viên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng./.]]>
