Trong những năm gần đây, thực hiện phong trào nông dân “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Với ý chí quyết tâm làm giàu ngay trên quê hương mình, anh Lê Văn Quyền hội viên chi hội thôn Dưới, xã Lưu Kiếm, huyện Thuỷ Nguyên làm một điển hình.
Anh Lê Văn Quyền, chăm sóc đàn thỏ thương phẩm của gia đình
Sinh ra trong một gia đình nông dân còn nghèo khó, anh Lê Văn Quyền đã nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ để thoát nghèo. Năm 2007, với 5 sào đất canh tác sâu trũng của gia đình, vợ chồng anh xin chuyển nhượng thêm 1,2 mẫu đất nông nghiệp của các hộ liền kề để phát triển kinh tế mô hình VAC. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” anh dành ra 4 sào đào ao nuôi cá trắm thương phẩm, 1,3 mẫu để trồng các loại cây mía, đu đủ, chuối và làm chuồng nuôi gà công nghiệp. Những vụ thu hoạch đầu tiên đã cho gia đình có thu nhập khá. Khi đã tích lũy một số vốn, Anh tiếp tục chuyển sang lợn lái và lợn thịt. Đầu năm 2019, trước tình hình dịch tả lợn bùng phát, anh đã phải tiêu huỷ 1,2 tấn lợn nái và lợn thịt, lỗ vốn hàng trăm triệu đồng. Nhận thấy nhu cầu về thỏ thương phẩm của thị trường rất lớn. Mặt khác, nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với các loại vật nuôi khác ở nông thôn. Với suy nghĩa đó, Anh đã mạnh dạn chuyển 300m2 chuồng nuôi lợn sang chăn nuôi thỏ sinh sản và thỏ thương phẩm. Ban đầu thử nghiệm nuôi 150 đôi thỏ bố mẹ. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng do nắm bắt được kỹ thuật nên đàn thỏ phát triển khá tốt và bắt đầu cho hiệu quả kinh tế. Sau 8 tháng đàn thỏ đã sinh sản được trên 500 thỏ con thương phẩm. Lứa đầu, xuất bán ra thị trường được 300 kg thỏ thịt. Hiện nay, với giá bán thỏ thịt đã làm sẵn 130 nghìn/kg, thỏ hơi 85 nghìn/kg. Trừ chi phí, hàng năm cho thu nhập tổng hợp đạt từ 130-150 triệu đồng. Anh Quyền cho hay: thỏ là loại rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân hai ba ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng, loại bệnh này cách trị rất dễ, chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh. Để phòng bệnh, anh còn tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Nguồn thức ăn rất dễ kiếm, nhưng quá trình cho ăn phải cẩn thận. Rau cỏ, lá cây khi cắt về còn ướt không được cho ăn ngay mà phải đem phơi cho ráo nước hoặc để héo sau đó cho ăn trực tiếp hoặc trộn cùng cám tránh làm thỏ đau bụng dẫn đến giảm trọng lượng. Mỗi ngày cho thỏ ăn hai lần theo giờ. Mô hình kinh tế VAC của anh Quyền đã gặt hái được nhiều thành công. Có được thành quả ấy, anh đã phải suy nghĩ, trăn trở, nắm bắt thông tin thị trường, vươn lên làm giàu từ ý chí, nghị lực của mình, đáng là tấm gương, điển hình để các hội viên nông dân khác học tập./.(Nguyễn Huy Phương – Chủ tịch HND xã Lưu Kiếm)
]]>