Dọc theo con đường liên thôn trải dài xuống bờ đê là nơi trồng các loại cây Lậu, Sú, Vẹt … tôi tìm đến trại nuôi ong lấy mật của ông Lê Công Ích – sinh năm 1954 ở thôn Sỏ, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trước mắt tôi là hàng trăm thùng nuôi ong được sắp xếp trải dài bãi đất trống, xung quanh cây cối um tùm.
Tiếp chuyện cùng tôi, ông Ích cho biết, năm 2008 được bạn bè rủ cùng nuôi ong mới đầu ông còn bỡ ngỡ vì không biết cách nuôi như thế nào, ông đã cần mẫn quan sát, học hỏi kỹ thuật của những người có kinh nghiệm rồi quyết định dùng toàn bộ vốn liếng tích góp được để triển khai mô hình nuôi ong lấy mật. Ban đầu chỉ với số lượng ít, dần dần quen tay, ông mạnh dạn chia đàn mở rộng mô hình nuôi ong. Đến thời điểm hiện tại, ông đã có trên 100 thùng ong.
Hình ảnh ông Ích kiểm tra cầu ong
Ông kể nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các mô hình khác và ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như: phải am hiểu thời tiết và thấu hiểu được bản chất của con ong. Sống với ong như bạn thì mới nuôi ong được. Muốn ong cho mật tốt phải nuôi ong ở những vùng có nhiều hoa nở rộ. Nếu không nắm vững thì khi đưa đàn ong đến những nơi có hoa để hút mật mà hoa đã tàn, lúc đó mật thì không có, ong bị đói, cắn nhau chết hàng đàn.
Ông chia sẻ thêm: thời gian đầu phương tiện nuôi ong còn thô sơ chưa có mũ đội che đầu, chưa có ống khói xua ong nên mỗi lần kiểm tra ong, đều bị ong đốt rất đau. Khi đã thạo nghề nên ông Ích rất am hiểu tính nết đàn ong của mình và có các biện pháp thích hợp để ong phát triển tốt, có mật nhiều. Đó là phải kiểm tra, vệ sinh từng thùng ong hằng ngày để theo dõi tình trạng ong. Đặc biệt là ong chúa, nếu ong chết hay đẻ kém thì phải thay ong chúa khác. Thông thường ong chúa có tuổi thọ từ 7 – 8 năm. Tuy nhiên, 1 – 2 năm có thể thay ong chúa một lần để ong sinh sản mạnh, cho giống tốt và cho lượng mật nhiều. Ngoài ra trong quá trình nuôi ong cần phải chú ý đến bệnh chí rùa, chí mát xâm hại tổ, ăn hết nhộng non bên trong; bệnh thối ấu trùng gây hại đàn ong;
Nhờ vị trí nuôi thuận lợi, cây có nhiều hoa và lượng thức ăn dồi dào nên đàn ong cho nhiều mật. Trung bình một tháng, mỗi thùng ong cho thu hoạch mật từ 5-6 lần tùy theo thời tiết. Mỗi lần quay mật, một thùng ong cho từ 4 – 6lít mật và được thương lái đến thu mua tận nơi, giá bình quân từ 200.000 – 250.000 đồng/lít.Không chỉ nuôi ong lấy mật mà hàng năm ngoài bán mật ra ông còn nhân giống để bán, cứ mỗi năm ông đều bán đi nửa già số thùng ong mà ông có với giá từ 500.000 – 550.000đ/thùng, chỉ để lại nửa non sang năm gây đàn lấy mật tiếp. Hàng năm, sau khi trừ chi phí ông thu về từ 150 – 170 triệu đồng.
Có thể thấy, mô hình nuôi ong lấy mật của ông Lê Công Ích đã cho những kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương. /.
Bùi Thị Huyền – Chủ tịch HND xã Phục Lễ