Kiến Thụy: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Trong những năm vừa qua, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Kiến Thụy đang có chuyển biến tích cực, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông dân xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy) thu hoạch lúa.

Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao năng suất cây trồng, năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt. Cùng với việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, hệ thống máy móc và trang thiết bị, người nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện Kiến Thụy đã hình thành 54 vùng sản xuất lúa tập trung, đồng thời hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn: các vùng sản xuất lúa chất lượng ST25 theo hướng hữu cơ tại xã Ngũ Phúc, vùng sản xuất giống nếp Xoắn hàng hóa tại xã Tân Trào, vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ tại xã Kiến Quốc, các mô hình trồng rau màu công nghệ cao tại các xã: Tú Sơn, Kiến Quốc…

So với nhiều năm trước, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kiến Thụy tăng lên ở các khâu: từ làm đất, gieo cấy, tưới tiêu đến thu hoạch, tạo nhiều chuyển biến trong sản xuất. Đó là nhờ hiệu quả của chủ trương tích tụ ruộng đất, thực hiện dồn điền, đổi thửa của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, mô hình cải tiến máy cày thành máy phun thuốc bảo vệ thực vật của hội viên Nông dân xã Ngũ Phúc đã mang lại nhiều lợi ích: tiết kiệm lượng thuốc phun trên 1 đơn vị diện tích so với hình thức phun thủ công; tiết kiệm lượng nước và nhân công lao động; rút ngắn thời gian thực hiện, hiệu lực phòng trừ trên 90%; giảm thiểu tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật trong đất…  Cơ giới hóa đồng bộ một giải pháp quan trọng trong việc hạn chế tình trạng bỏ hoang không canh tác đang phát triển gia tăng trong thời gian qua./.

 

Phạm Thị Thủy, Hội Nông dân huyện Kiến Thụy

 

  • Tin mới đăng