Theo tin từ VnExpress và Dân Việt, chiều 18/12/2016, Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) tổ chức, với sự tham gia của trên 500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu hiện nay, nhưng cần thực hiện bài bản để tránh chạy theo phong trào.
Thủ tướng nhận định, hiện cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng số lượng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt khoảng 4.000 là quá khiêm tốn. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một cường quốc nông nghiệp thì vấn đề mấu chốt là phải có thêm càng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp càng tốt. Đồng thời, phải đảm bảo được tính bền vững và hiệu quả lâu dài, không để nông nghiệp công nghệ cao phát triển theo phong trào.
“Tầm nhìn của chúng ta là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và đa chức năng, trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và vươn lên đứng trong nhóm quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Từ nền tảng phát triển nông nghiệp kéo theo sự tăng trưởng ở các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, chế tạo máy móc…”, Thủ tướng nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp cao ở quy mô toàn diện, rộng khắp các địa phương nhằm thu hút sự tham gia của mọi đối tượng từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Theo Thủ tướng, muốn xây dựng nền nông nghiệp lớn mạnh bắt buộc phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, bên cạnh đó là tăng cường mối liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, hiện chính sách xây dựng hàng rào bảo vệ sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn kém nhiều nước trong khu vực, dẫn đến tình trạng nhập khẩu ồ ạt nhiều mặt hàng, gây rối loại thị trường và thiệt thòi cho doanh nghiệp. Từ đó, ông đề nghị các đơn vị liên quan sớm phối hợp xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nông sản trong nước. Trả lời câu hỏi về những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Đào Minh Tú cho biết, hiện gói ưu đãi tín dụng 50.000 tỷ đồng phục vụ nông nghiệp sạch đã được giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai từ đầu tháng 11 năm nay với mức lãi suất từ 0,5 đến 1%. Theo đó, đối tượng được hưởng gói ưu đãi này bao gồm các cá thể, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất và chế biến thực phẩm sạch, tham gia vào chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp. Sau khi lắng nghe nhiều doanh nghiệp chia sẻ việc tiếp cận gói tín dụng này còn nhiều khó khăn và bất cập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ tạo cơ chế vay vốn thuận lợi và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp. “Trước đây, công bố quy hoạch chỉ có 10 đơn vị với 31 dự án được hưởng những ưu đãi này nhưng kể từ hôm nay, Thủ tướng đưa ra thông điệp: bất cứ nhà đầu tư, doanh nghiệp hay nông dân nào có khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ gói tín dụng này”, ông Phúc nêu rõ và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng gói tín dụng tại 5 hệ thống ngân hàng thương mại lớn cùng thực hiện việc này để có sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng tín dụng. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) về việc thành lập các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong năm 2017 nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp hiệu quả, góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thủ tướng cũng giao các cơ quan chức năng, UBND các tỉnh, thành phố để trong năm 2017, Việt Nam sẽ có một Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên. Tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình, chủ tịch DAA Việt Nam cho rằng, DAA Việt Nam muốn đưa ra cách làm mới trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hoá nông nghiệp, nông dân.
Đại biểu tham quan nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được giới thiệu tại Hội nghị.
Theo ông Bình, cách làm mới này sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng giá trị và hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả, cạnh tranh, cung cấp sản phẩm có chất lượng. Tại hội nghị, nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại đã được giới thiệu, chia sẻ, như mô hình sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ sản Nam Miền Trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, giống hoa của Công ty CP rừng hoa Đà Lạt, mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi của Công ty TNHH Hùng Nhơn, kinh nghiệm của lão nông có “vườn chuối triệu USD” Võ Quan Huy ( Long An)… Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhấn nút khởi động Chương trình Truy xuất nguồn gốc rau an toàn cho Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, DAA Việt Nam cũng giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thưic phẩm “Sử dụng tem thông minh DAA Stamp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thực phẩm an toàn”. Dự án này sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…]]>