Hội Nông dân thành phố làm việc với Sở Du lịch và các sở ngành có liên quan bàn giải pháp kết nối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nông sản đặc sắc, đặc trưng của Hải Phòng phục vụ phát triển du lịch thành phố

Sáng ngày 22/4, tại Sở Du lịch đã diễn ra cuộc họp bàn triển khai các giải pháp  kết nối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nông sản đặc sắc, đặc trưng của Hải Phòng phục vụ phát triển du lịch thành phố. Tham dự cuộc họp có đồng chí Đỗ Đức Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Dương Đức Hùng – Phó giám đốc Sở Du lịch và các đại biểu đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.

Hội Nông dân thành phố làm việc với Sở Du lịch và các sở ngành có liên quan bàn giải pháp kết nối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nông sản đặc sắc, đặc trưng của Hải Phòng phục vụ phát triển du lịch thành phố

Tại hội nghị, đồng chí Dương Đức Hùng – Phó giám đốc Sở Du lịch, đã đánh giá khái quát những tiềm năng các sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố, những thời cơ thuận lợi trong phát triển du lịch thành phố hiện tại và tương lai. Đồng thời, nêu bật những hạn chế, tồn tại hiện nay của du lịch thành phố, trong đó có vấn đề nổi cộm là thiếu hệ thống các điểm bán hàng lưu niệm, các đặc sản nông nghiệp phục vụ du khách đến tham quan. Vì vậy việc xây dựng các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch thành phố là hết sức cần thiết, dự kiến sẽ tổ chức tại 3 điểm là trung tâm thành phố, huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn và 1 số điểm tại các khu di tích lịch sử lớn như khu di tích Bạch Đằng Giang, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đại diện giai cấp nông dân thành phố, đồng chí Đỗ Đức Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố đã có những ý kiến tham gia tại hội nghị, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương có công nghiệp và dịch vụ phát triển, nhưng khu vực nông thôn chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 45% diện tích tự nhiên; dân số khu vực nông thôn chiếm trên 54% dân số thành phố năm 2020 (1,11/2,033 triệu người), lao động khu vực nông thôn vẫn là chủ yếu, chiếm trên 58% lao động toàn thành phố. Nét nổi bật, sản phẩm nông nghiệp thành phố không ngừng được cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay đã có 126 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, hàng trăm sản phẩm được gắn nhãn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm được sơ chế, bao gói, có chứng nhận sản xuất an toàn ngày càng tăng. Việc xây dựng các điểm bán hàng về các sản phẩm của nông dân thành phố thể hiện sự đồng hành, vào cuộc thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hội viên, nông dân. Ngoài 3 điểm bán hàng do Sở Du lịch đề xuất, Hội đề nghị bổ sung thêm 2 điểm tại huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo; đề nghị các sở, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, bàn giải pháp cụ thể để xây dựng và tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và thành công.

Đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương đã có những ý kiến hết sức cụ thể về các sản phẩm nông nghiệp của thành phố, ngoài các sản phẩm Ocop còn có trên 1.000 sản phẩm khác đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có thể tham gia phục vụ du khách, về các điểm bán hàng đã triển khai hiện nay, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, vị trí chưa thuận lợi cho phát triển du lịch. Sản phẩm OCOP, có nhãn hiệu, thương hiệu, được gắn nhãn truy xuất và tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị vẫn chưa nhiều; giá trị gia tăng mới được cải thiện ở bước đầu.

Hội nghị đã mở ra sự hợp tác mới giữa Hội Nông dân thành phố và các sở ngành chức năng trong việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản của nông dân thành phố, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng của thành phố là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dụng nông thôn mới bền vững./.

Thu Huyền – Hội Nông dân thành phố

  • Tin mới đăng