Hiệu quả việc sử dụng máy gặt trong sản xuất tại huyện Vĩnh Bảo

Mới chỉ vài năm trước, chuyện những chiếc máy gặt xuất hiện trên đồng ruộng huyện Vĩnh Bảo còn là điều xa lạ. Nhưng chỉ mới qua hai, ba vụ sản xuất gần đây, đặc biệt là trong vụ mùa 2016 này, những chiếc máy gặt thay cho sức người đã trở nên khá phổ biến và nó đã mang đến luồng sinh khí mới, một cách làm ăn mới cho người nông dân một nắng, hai sương vẫn từng quen với lam lũ ruộng đồng. Chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất được nhà nước ta đưa ra từ rất nhiều năm trước. Tuy nhiên, do tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân huyện Vĩnh Bảo. Trong khi việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ phải đảm bảo “3 cùng”, đó là cùng giống, cùng trà và cùng đồng, với hệ thống đường giao thông nội đồng phải được mở rộng và cứng hóa bằng bê tông cùng nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để nông dân mua máy móc thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng phục vụ cơ giới hóa. Xác định được yêu cầu trên, những năm qua, huyện và thành phố đã có nhiều quyết sách mang tính chiến lược nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó, huyện Vĩnh Bảo là địa bàn trọng điểm. Nông dân đã chủ động dồn đổi những ruộng nhỏ thành thửa lớn, các địa phương tích cực tiếp nhận xi măng theo cơ chế hỗ trợ của thành phố làm đường nội đồng khang trang, đảm bảo quy cách, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Vụ mùa năm nay, tại huyện Vĩnh Bảo được đánh giá là vụ có tiến độ thu hoạch nhanh nhất từ trước tới nay. Buổi sáng, cả cánh đồng còn vàng rực một màu của lúa, nhưng chỉ trong ngày, máy đã thu hoạch gọn, nông dân hả hê chở lúa đã đóng bao về nhà. Chưa hết, giá dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy, tùy theo từng vùng, từng địa phương, dao động trong khoảng 120-140 nghìn đồng/1 sào, trong khi giá thuê nhân công gặt thủ công phải ở mức trên dưới 200 nghìn đồng/sào, cộng thêm khoảng 60-70 nghìn đồng/sào công tuốt lúa, vị chi, nếu thuê nhân công thu hoạch và ra được hạt thóc, người nông dân phải chi phí ở mức gần 300 nghìn đồng/sào. Nắm bắt nhu cầu của nông dân, trong vụ mùa này, bên cạnh số máy gặt của người dân trong huyện mà còn xuất hiện một số máy gặt từ các tỉnh bạn như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An cũng tham gia “góp vui” trên đồng ruộng huyện Vĩnh Bảo. Từ những lợi ích trên đây, có thể khẳng định rằng: đây chính là khâu đột phá để tạo nên một không khí mới, nếp nghĩ, cách làm ăn mới của bà con nông dân huyện Vĩnh Bảo trong những vụ sản xuất tới. Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen, một tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ là chuyện không phải 1 sớm, 1 chiều. Có điều, khi giá trị từ những sản phẩm máy móc do con người tạo ra lại phát huy tác dụng, phục vụ thiết thực cho chính bản thân họ thì con đường để thay đổi tập quán đó, thói quen đó sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn nhiều. Chắc chắn, những vụ sản xuất tới, hình ảnh những chiếc máy làm đất, máy gieo mạ, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt sẽ trở nên phổ biến để dần thay thế sức người, tạo nên một diện mạo mới, sinh khí mới cho nông thôn huyện Vĩnh Bảo./.]]>

  • Tin mới đăng