Hiệu quả từ việc cải tiến bẫy bán nguyệt trong diệt chuột tại xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên

Trước dịch chuột hoành hành phá hoại lúa, các loại rau màu, cây trồng ngày càng rộng trên các xứ đồng xã Kỳ Sơn khiến bà con nông dân rất lo lắng, dùng nhiều biện pháp diệt chuột bảo vệ mùa màng như: đánh bả bằng thóc mầm chộn thuốc, đào lỗ, dùng các loại cạm, bẫy… Trăn trở trước lo lắng, khó khăn của bà con nông dân, ông Bùi Văn Thuân – hội viên nông dân thôn 8 xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên đã tìm hiểu, học hỏi cải tiến bẫy bán nguyệt bán sẵn trên thị trường. Ông đã cải tiến, gia công thêm vào một miếng kim loại (làm bằng tôn, có chiều dài 7cm x 5cm) làm nơi đặt mồi bẫy.

Hình ảnh bẫy bán nguyện bán sẵn trên thị trường (ảnh bên trái) và bẫy bán nguyệt đã được ông Thuân cải tiến (ảnh bên phải)

So với bẫy bán nguyệt chưa cải tiến hiệu quả bắt chuột cao hơn rất nhiều, chuột dễ mắc mồi bẫy. Chỉ cần dùng lát khoai lang, lát chuối chín, ít thóc mầm… đặt lên trên miếng tôn là được. Tuy vậy, đôi khi bẫy bán nguyệt cải tiến này có thể không cần mồi mắc, chỉ cần tìm đúng lối đi của chuột, đặt tại đó, khi chuột di chuyển qua vô tình đi lên tấm tôn là bị sập bẫy. Giá thành bẫy bán nguyệt do ông Thuân cải tiến rẻ hơn so với các loại bẫy cải tiến khác bán trên thị trường, ông bán chỉ có 10.000 đồng/chiếc. Miếng tôn gia công sử dụng là nơi đặt mồi bẫy rất bền, dễ kiếm, lại rẻ tiền, nếu người nông dân mua bẫy về làm mẫu, nghiên cứu có thể tự chế tạo cải tiến bẫy bán nguyệt có sẵn trên thị trường. Sau khi bắt được chuột ông thường ngâm bẫy trong bùn, hoặc dung dịch nước xà phòng để khử hết mùi hôi của chuột, thuận lợi trong việc bắt chuột các lần sau. Trước hiệu quả của việc cải tiến bẫy bán nguyệt của ông Bùi Văn Thuân, một số bà con nông dân trong xã đã đặt mua về sử dụng. Ông đã cung cấp trên 200 bẫy và nhận được phản hồi tích cực từ bà con, góp thêm giải pháp mới trong diệt chuột, bảo vệ mùa màng cho nông dân, giúp nông dân có vụ mùa bội thu./.

Nguyễn Minh Quyết – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Sơn, Thủy Nguyên

  • Tin mới đăng