Hợp tác xã (HTX) kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, huyện Kiến Thụy được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, ngành nghề đăng ký sản xuất kinh doanh chủ yếu là dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất lúa chất lượng, lúa hữu cơ, chế biến các sản phẩm từ lúa, gạo và liên kết tiêu thụ nông sản. Để đưa các giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, canh tác theo hướng hữu cơ vào sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ năm 2019, được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, Hội Nông dân các cấp huyện Kiến Thuỵ, HTX Thuỵ Hương đã đưa giống lúa ST25 (giống lúa có Gạo ngon nhất thế giới 2019) vào sản xuất thử nghiệm với diện tích 05 ha khu vực ruộng rươi ngoài đê ven sông Văn Úc và nhận thấy ST25 là giống lúa chịu chua mặn, phù hợp sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất ổn định, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đặc biệt, hạt gạo trắng, thon, dài, thơm, cơm mềm và đậm đà vị biển.
Sản phẩm gạo ruộng rươi tại Hội chợ sản phẩm Ocop đồng bằng sông Hồng
Sau vụ lúa thử nghiệm thành công ngoài mong đợi, HTX đã mở rộng diện tích canh tác lúa ST25 50 ha năm 2020 và 100 ha năm 2021. Do quá trình canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, HTX đã xây dựng thương hiệu “gạo ruộng rươi” riêng cho mình. Năm 2020, sản phẩm “Gạo ruộng rươi” của hợp tác xã Thụy Hương được đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố, đã có mặt tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của nhiều tỉnh, thành phố. Không chỉ phát triển vùng nguyên liệu lúa rươi tại Kiến Thụy mà HTX còn phát triển vùng lúa rươi tại các huyện khác như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão. Sau khi kí hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua, hợp tác xã sẽ cung ứng giống, mạ khay cho nông dân, giám sát quá trình canh tác, và thu mua lúa tươi, lúa sau khi gặt được đưa về hợp tác xã để tiến hành sấy bằng hệ thống máy sấy mới nhất. Khi sử dụng phương pháp sấy này hạt thóc đạt đến độ ẩm tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng tốt nhất mà không phụ thuộc vào thời tiết. Sau đó, thóc được xay xát tạo ra sản phẩm gạo an toàn, đóng gói, dán tem truy suất nguồn gốc bán ra thị trường, được nhiều đơn vị đặt hàng cung ứng lâu dài.
Không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho Hợp tác xã mà người nông dân cũng được hưởng lợi từ liên kết này. Người nông dân tuân thủ quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm giống, giảm chi phí sản xuất. Năng suất trung bình từ 25 tạ – 30 tạ/ha, doanh thu từ 22,5- 27 triệu đồng/ha, cao hơn từ 1,5-2 lần so với sản xuất lúa đại trà, đặc biệt môi trường sinh thái được bảo vệ, hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, vì con người, nền sản xuất nông nghiệp trong tương lai./.
Phạm Thị Thuỷ – HND huyện Kiến Thuỵ