Đến Ngũ Phúc những ngày đầu tháng 6 này, sẽ thấy những cánh đồng lúa vàng óng, thẳng cánh cò bay, dập dùi trước gió và điều đặc biệt là nơi đây không một tác đất bị hoang hóa. Nếu như trước đây, người nông dân sản xuất lúa hoàn toàn bằng thủ công, sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều, ruộng bỏ hoang nhiều thì nay việc thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã giúp bà con giải phóng sức lao động, tăng năng suất, ổn định đầu ra. Đây cũng chính là cách làm mà Tổ Hợp tác (THT) ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy đang áp dụng và đã thấy rõ hiệu quả trong những năm qua.
Cánh đồng lúa tại Ngũ Phúc
Được thành lập vào năm 2015, THT cơ giới hóa thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc có tổng cộng 3 thành viên; đến cuối năm 2015, từ sự hỗ trợ kinh phí theo “Cơ chế đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp” của thành phố, THT thôn Xuân Chiếng đã được hỗ trợ một phần kinh phí mua 01 máy làm đất công suất 32 CV, 01 máy gặt đập liên hợp và 02 máy cấy để phục vụ cơ giới hóa cho sản xuất lúa của bà con trong thôn và vùng lân cận. Ban đầu nông dân chưa tin tưởng vào hiệu quả của việc gieo mạ khay cấy máy nhưng qua nhiều vụ áp dụng phương pháp này năng suất lúa tăng 15-20% so với phương pháp cấy truyền thống, giảm giống, sâu bệnh giảm và giải phóng sức lao động của nông dân. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa thôn Xuân Chiếng (80ha) được tổ hợp tác cơ giới hóa “bao cân”. Tổ hợp tác không chỉ hợp đồng với nông dân dịch vụ các khâu: làm đất, gieo cấy, thu hoạch mà còn vận động, định hướng bà con nông dân gieo cấy cùng trà, cùng giống và áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo thu hoạch đúng thời vụ và tăng năng suất.
Ngoài tự phục vụ sản xuất cánh đồng của gia đình, các thành viên trong tổ hợp tác chủ yếu làm dịch vụ cho các thôn, xã khác. Với phương pháp tổ chức, quản lý hiệu quả, tổ hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm trang bị thêm máy móc: mua mới 50.000 khay nhựa gieo mạ, 1 giàn gieo hạt tự động (Kubota), 5 máy cấy (01 máy ngồi lái), 1 máy cày bừa, 2 máy gặt (Kubota), với tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng. Sau mỗi vụ sản xuất trừ chi phí và khấu hao máy móc lợi nhuận mỗi thành viên tổ hợp tác thu về 100-150 triệu/đồng, tạo việc làm thời vụ cho 8-10 lao động địa phương với mức thu từ 300-500 nghìn đồng/người.
Không chỉ làm dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất, mà tổ hợp tác còn thực hiện tích tụ ruộng đất thuê lại 15,6 ha diện tích sâu trũng bỏ hoang nhiều năm của nông dân, đưa máy móc cải tạo lại đồng ruộng và tiến hành sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, lợi nhuận trung bình 10-12 triệu/ha/năm. Đây là hướng đi mới của tổ hợp tác trong thời gian tới khi lực lượng lao động trong nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề khác./.
Phạm Thủy, Hội Nông dân huyện Kiến Thụy