Ảnh: Ông Hoàng Văn Then, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Hưng, huyện An Lão.
Trong những năm gần đây, xã Quang Hưng, huyện An Lão có nhiều diện tích lúa bị chuột thường xuyên gây hại nặng. Hình thức diệt chuột phổ biến nhất mà lâu nay bà con nông dân áp dụng là che chắn nilon, thậm chí dùng điện để bẫy chuột hết sức nguy hiểm, song hiệu quả mang lại chưa cao. Nhằm giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, không lo lắng bị chuột phá hoại, năm 2014, Ủy ban nhân dân xã Quang Hưng đã quyết định thành lập Tổ Hợp tác dịch vụ xã Quang Hưng, giao cho đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Hưng trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Là Tổ Hợp tác mang tính chất là tổ chức xã hội, nghề nghiệp và tự nguyện, gồm 24 thành viên là hội viên nông dân tích cực, tiêu biểu của xã. Thông qua hoạt động, các thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động. Không chỉ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, Tổ Hợp tác còn thành lập ra Tổ diệt chuột tự quản. Ban Chỉ đạo Tổ Hợp tác đều tiến hành họp bàn với nhân dân, thống nhất ký kết hợp đồng dịch vụ diệt chuột với 100% các hộ dân trong toàn xã có diện tích lúa. Trong thời hạn 3 năm, căn cứ các điều khoản trong hợp đồng được ký với lãnh đạo các thôn trong xã, các thành viên Tổ Hợp tác sẽ tham gia nạo vét mương máng, đắp đê, dọn cỏ, khơi thông dòng chảy, bảo vệ đồng lúa, và làm công tác điều tiết nước trên các đồng ruộng. Công việc được triển khai, sau mỗi vụ thu hoạch, Tổ Hợp tác đã kịp thời họp bàn và triển khai các phương án diệt chuột: diệt bằng hình thức đặt cạm bẫy, hay tính toán thời kỳ sinh sản của chuột để đào hang đánh bắt. Sau khi đánh bắt thì đắp đập hoàn trả mặt bằng, đặt mồi bẫy, phun thuốc diệt cỏ, phát quang bờ bụi, hun khói, bơm nước, vây lưới …. Công việc được tiến hành từ khi gieo cấy đến lúc thu hoạch. Khi nhận nhiệm vụ, Tổ đã phân công các thành viên, thường xuyên xem xét, kiểm tra đồng ruộng. Khi phát hiện có chuột cắn phá lúa và hoa màu, Tổ sẽ kịp thời điều động thành viên đến hỗ trợ, không để chuột phá hoại, gây hại. Ông Hoàng Văn Then, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Hưng cho hay: “Trước chúng tôi chỉ đặt cạm bẫy ở các bụi dậm, chân bụi tre, bờ dậu bắt được rất ít số lượng chuột; còn bây giờ biết tính toán thời kỳ sinh sản của chuột một năm 2 mùa thì sẽ đánh được cả chuột con, chuột mẹ nên hiệu quả rất cao”. Từ khi thành lập từ năm 2014 đến nay, hiệu quả của mô hình Tổ diệt chuột này mang lại là không hề nhỏ. Thay cho việc đầu tư mỗi sào 40 – 50 nghìn đồng để mua nilon, cọc tre vây ruộng, tốn ngày cao lao động, nông dân chỉ phải chi phí 7.000 đồng trả công cho Tổ diệt chuột. Việc khoán cho Tổ diệt chuột cũng được quy định cụ thể, những ruộng bị chuột gây hại 5% trở lên thì Tổ diệt chuột phải bồi thường cho nông dân nên đã nâng cao trách nhiệm của mỗi thành viên trong Tổ diệt chuột. Ngoài việc năng suất liên tục tăng cao, bà con cũng bớt đi một khoản chi phí cho các biện pháp bảo vệ hoa màu trước sự gây hại của chuột. Trong khi đó, mỗi vụ, thôn chỉ cần trả cho các đội bắt chuột là 6 kg thóc/sào ruộng và 1kg/sào để bảo vệ và điều tiết nước phục vụ sản xuất, tất cả đều được quy ra tiền. Bên cạnh đó, hàng năm, Tổ Hợp tác dịch vụ xã Quang Hưng còn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ thuốc diệt chuột, Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ bẫy diệt chuột trị giá 20 triệu đồng/năm. Ủy ban nhân dân xã hỗ trợ quần, áo, bảo hộ lao động, dụng cụ phun thuốc trừ sâu và một số vật dụng thiết yếu khác động viên kịp thời các thành viên trong tổ diệt chuột. Cũng từ cách làm sáng tạo của xã Quang Hưng, cho đến nay huyện An Lão đang tiếp tục nhân rộng mô hình diệt chuột trên toàn huyện./. (Bài, ảnh: Thu Hằng – Hội Nông dân thành phố)]]>