Đến Ngũ Phúc những ngày đầu tháng 10 này, ta sẽ thấy những cánh đồng lúa vàng óng, thẳng cánh cò bay, dập dùi trước gió và điều đặc biệt là nơi đây không còn một tác đất bỏ hoang. Nếu như trước đây người nông dân sản xuất lúa hoàn toàn bằng thủ công, sản lượng thấp, chất lượng sẩn phẩm không đồng đều, ruộng bỏ hoang nhiều thì nay việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo ra các cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã giúp người nông dân giải phóng sức lao động, tăng năng suất, yên tâm lao động sản xuất. Để có được điều đó một phần không nhỏ đóng góp của Hội Nông dân xã Ngũ Phúc trong việc xây dựng mô hình Dân vận khéo thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cánh đồng tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa hàng hóa tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy
Ngũ Phúc là xã thuần nông nằm phía Tây Nam huyện Kiến Thụy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 500 ha chủ yếu là sản xuất lúa 2 vụ, tuy nhiên do hiệu quả sản xuất lúa còn bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác có xu hướng ngày một gia tăng. Để khắc phục tình trạng trên, Hội Nông dân xã Ngũ Phúc xây dựng các mô hình Dân vận khéo trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất, tập trung tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong quá trình xây dựng mô hình đã gặp phải không ít những khó khăn, như là một bộ phận hội viên nông dân có tâm lý giữ ruộng (chỉ muốn bán hoặc chờ dự án được đền bù, không muốn cho thuê hoặc cho mượn), sợ mất ruộng, một số hộ chưa thực sự hiểu về cách thức tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong khi đó những quy định về chính sách đất đai hiện hành như chỉ cho phép hạ thấp mặt bằng 20% diện tích để nuôi thủy sản; những quy định về xây dựng lán trại trông coi; tiềm lực về vốn của các hộ còn hạn hẹp… Nắm bắt được những khó khăn đó, Hội Nông dân xã đã tập trung tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, xóm, và đến tận nhà vận động các hội viên còn chưa “thông” để giải thích giúp hội viên, nông dân hiểu và nắm bắt rõ chủ trương tích tụ ruộng đất đảm bảo quyền lợi của người dân khi cho thuê ruộng và mượn ruộng. Đồng thời Hội còn tín chấp với Ngân hàng chính sách cho các chủ mô hình được vay vốn ưu đãi; tổ chức các buổi tham quan học tập kinh nghiệm để áp dụng để áp dụng vào sản xuất. Đến nay, Hội Nông dân toàn xã đã tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tích tụ 50 ha đất bỏ hoang chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ các giống lúa chất lượng: Tiến Vua, ST25, thơm RVT… Kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong chuyển đổi ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả bỏ hoang sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đã giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Mô hình đã có sức lan tỏa và từng bước được nhân ra diện rộng. Hiện toàn bộ diện tích ruộng bỏ hoang được nông dân tích tụ ruộng đất thành cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ước tính bình quân, hàng năm trừ chi phí đầu tư, mỗi ha lúa thực hiện tích tụ thu lợi nhuận 15-20 triệu đồng/ha/năm.
Thành công bước đầu trong xây dựng mô hình “tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng” đã cho thấy sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân xã trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, qua đó góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân. Và theo đánh giá tuy mô hình chưa mang lại hiệu quả kinh tế đột biến nhưng đây là mô hình cho thấy sự phát triển bền vững, ít rủi ro. Song điều quan trọng là qua thực hiện đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân trong sản xuất, kinh doanh, tránh được tình trạng nhân dân không tha thiết với ruộng đồng, bỏ hoang diện tích đất. Thực hiện mô hình đã huy động được nhiều nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; xây dựng được tình thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Dân vận khéo trong xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất cũng giúp đội ngũ cán bộ làm dân vận ở địa phương có thêm kinh nghiệm để hiểu thực tiễn, gắn bó hơn với bà con, thực hiện tốt hơn lời Bác dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.
Phạm Thị Thủy – Hội Nông dân huyện Kiến Thụy