Kiến Thụy là huyện thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 5.000 ha. Trong thời gian qua, nhiều địa phương trong huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa nhưng đồng ruộng vẫn còn manh mún, vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa còn ít, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích còn thấp. Hiện nay, lực lượng lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề khác dẫn đến việc thiếu lao động, tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác có xu hướng ngày một gia tăng.
Năm 2019, Huyện ủy, UBND huyện Kiến Thụy có chủ trương hỗ trợ thí điểm các mô hình tích tụ ruộng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, các diện tích cấy lúa kém hiệu quả. Kết quả, toàn huyện thực hiện được 11 mô hình tích tụ ruộng đất với diện tích 86,6 ha. Bước đầu mang lại hiệu quả, thu nhập ổn định cho nông dân. Đến năm 2021, tổng diện tích tích tụ trên địa bàn huyện đạt hơn 250 ha. Các mô hình đã tích tụ có quy mô tương đối lớn trung bình 8-10ha/mô hình, hình thức sản xuất chủ yếu: sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, cây ăn quả, rau màu công nghệ cao…
Mô hình tích tụ ruộng đất trồng rau màu công nghệ cao tại xã Tú Sơn
Trên các diện tích đất dồn đổi, tích tụ được các cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Bùi Văn Nam ở xã Minh Tân, lợi nhuận đạt trung bình 80-100 triệu/ha/năm; mô hình nuôi ốc bươu ta của ông Phạm Văn Việt ở xã Đông Phương lợi nhuận đạt trung bình 120-150 triệu/ha/năm; mô hình trồng sen của ông Phạm Văn Đoàn ở xã Hữu Bằng lợi nhuận đạt trung bình 50-80 triệu/ha/năm; mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ của bà Phạm Thị Dung ở xã Ngũ Phúc lợi nhuận đạt trung bình 35-40 triệu/ha/năm;…. Nhờ thực hiện tích tụ ruộng đất, người dân và doanh nghiệp đã hình thành và duy trì các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa: vùng sản xuất lúa rươi 300 ha tại các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào; vùng sản xuất rau màu công nghệ cao tại các xã Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Đoan; … Các mô hình tích tụ ruộng đất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục tình trạng bỏ hoang không canh tác bước đầu hình thành phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, có liên kết theo chuỗi. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trong thời gian tới./.
Phạm Thị Thủy, Hội Nông dân huyện Kiến Thụy