Ngày 12/8/2014, Ủy ban nhân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Dương Anh Điền, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; cùng các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Đỗ Trung Thoại, Nguyễn Xuân Bình; Nguyễn Đình Then, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Trong 3 năm (2011 – 2013) thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, đề án mô hình phát triển sản xuất như: chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ lãi suất mua máy cơ khí nông nghiệp phục vụ sản xuất, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp; đề án phát triển vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn… Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất đã đẩy nhanh tiến trình dồn đổi ruộng đất tạo thành thửa lớn, hình thành hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền vận động nông dân đạt kết quả tích cực, phong trào đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn được nông dân tích cực hưởng ứng, với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng, trong đó, nông dân đóng góp 22,3 tỷ đồng tiến mặt; 240.000 ngày công; 1.400.300 m2 đất các loại; con em các địa phương đi công tác và làm ăn xa đóng góp xây dựng quê hương 20 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp 315 tỷ đồng. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn đã từng bước được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Thành phố hiện có 39 làng nghề, trong đó có 36 làng nghề ở khu vực nông thôn hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề như: cơ khí, mộc, mây tre đan, dệt chiếu, nuôi trồng và khai thác thủy sản, chế biến nông sản… trong đó có 18 làng nghề được UBND thành phố công nhận đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có 12 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, đạt tỷ lệ 87,05%, tăng 5 xã so với kết quả tháng 12/2013; 127 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, đạt tỷ lệ 91,36%; 107 xã đạt tiêu chí giáo dục, 116 xã hoàn thành tiêu chí văn hóa, 94 xã đạt tiêu chí y tế… Đến hết tháng 6 năm 2014, bình quân toàn thành phố đạt 11,39 tiêu chí; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới ( hoàn thành 19/19 tiêu chí), đó là: xã An Đồng ( huyện An Dương), xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy), xã Đông Sơn và Phục Lễ ( huyện Thủy Nguyên)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa các ngành và các địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng lực thực hiện chương trình, việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình chưa được các cấp ngành thực hiện triệt để; các tổ chức tín dụng cũng chưa thật sự đồng hành cùng với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất trong quá trình sản xuất kinh doanh…
Mục tiêu năm 2014 phấn đấu bình quân toàn thành phố đạt 11 – 12 tiêu chí/xã; có thêm 8 – 10 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; năm 2015, tập trung công tác chỉ đạo và hỗ trợ đầu tư cho các xã trong danh sách hoàn thành năm 2015, đảm bảo mục tiêu có 41 xã hoàn thành chương trình; trung bình mỗi năm đạt bình quân 12 – 13 tiêu chí/xã.
Tại Hội nghị này, Chính phủ tặng Bằng khen cho 4 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới năm 2013 gồm: xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy); xã Đông Sơn, xã Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên); xã An Hồng (huyện An Dương). UBND thành phố biểu dương 35 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”.
Nguyễn Chương – Hội Nông dân thành phố]]>
