GƯƠNG SÁNG NHÀ NÔNG

Những năm gần đây, từ những phong trào thi đua phát triển kinh tế, đã xuất hiện một số mô hình mới, làm ăn có hiệu quả và nhiều tấm gương hội viên nông dân dám nghĩ dám làm, cần cù sáng tạo, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương. Anh Hoàng Văn Tuấn ở khu 6, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng là một trong những người như thế. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo khó. Bản thân là trụ cột gia đình, Anh Tuấn đã nhiều đêm suy nghĩ, làm thế nào để thoát cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc ngay trên quê hương của mình. Với ý tưởng phải đổi mới cung cách làm ăn. Anh và gia đình đã tiến hành cải tạo 1,3 mẫu đất lúa cho năng suất thấp sang làm thuỷ sản. Với phương châm “lấy công làm lãi”, giai đoạn đầu anh tiến hành nuôi thả thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm đầu việc chăn nuôi khá thuận lợi, năm 2012 tổng số gia cầm lên đến trên 5.000 con vịt đẻ. Nhưng đúng thời điểm tưởng chừng như việc chăn nuôi thành công thì dịch bệnh bùng phát, cùng với đó đầu ra tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá sản phẩm gia cầm giảm mạnh đã cuốn đi những vốn liếng của gia đình. Không đầu hàng trước khó khăn, anh tiếp tục đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ ở các địa phương khác. Từ kinh nghiệm có được, năm 2014, Anh Tuấn đã quyết tâm đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi vịt đẻ khép kín, bao gồm nhà để vịt đẻ và sân vịt đỗ đều được đặt lưới sắt, có bể để vịt tắm, hệ thống cấp nước và rửa sàn tự động, máng thức ăn bán tự động. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chuồng trại của Anh luôn duy trì từ 3.500 – 5.000 vịt đẻ. Trong đó luôn có 1.500 – 2.000 con được nuôi theo phương pháp “Nuôi vịt đẻ cải tiến trên sàn lưới theo mô hình khép kín”.  

Theo Anh Tuấn, với việc áp dụng phương pháp này, sẽ quản lý tốt được lượng thức ăn, hạn chế được vịt mắc bệnh, giảm chi phí thuốc phòng bệnh, nên chi phí giá thành thấp; tỷ lệ vịt đẻ cho trứng lại cao hơn phương pháp nuôi truyền thống; đặc biệt là chất lượng trứng cao hơn hẳn, do Trứng vịt không tiếp xúc trực tiếp với phân vịt, thức ăn dư thừa, …; nên sản phẩm trứng vịt của Anh luôn được thương lái ưa chuộng. Ngoài tập trung cho chăn nuôi vịt đẻ, gia đình anh còn mạnh dạn đầu tư chuyển đổi nuôi cá Ba sa trên diện tích 1 mẫu ao của gia đình, sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu nhập cho gia đình 130-150 triệu đồng/năm. Với mô hình “Nuôi vịt đẻ cải tiến trên sàn lưới theo mô hình khép kín” có hiệu quả, đã có nhiều người trong và ngoài huyện đến tham quan học tập. Chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, anh Hoàng Văn Tuấn cho biết, là một nông dân cần  phải tính toán, tiết kiệm, chịu khó lao động, tìm tòi rút kinh nghiệm qua thực tiễn công việc, tận tâm yêu nghề, quan trọng là nhà nông phải biết cập nhật những thông tin khoa học kỹ thuật, các tiến bộ trong sản xuất, chăn nuôi, cùng với đó là thông tin về giá cả thị trường để có hướng đầu tư sản xuất có hiệu quả ngay trên mảnh đất quê hương mình. Với việc quyết tâm theo đuổi nghề chăn nuôi vịt đẻ, từ một gia đình nghèo, hiện nay gia đình đã có “của ăn, của để”, với cơ sở chăn nuôi khá hoàn thiện trên diện tích gần 1.000 m2 có đầy đủ các cơ sở vật chất, thiết bị phụ trợ đảm bảo nuôi vịt đẻ theo phương pháp “Nuôi vịt đẻ cải tiến trên sàn lưới theo mô hình khép kín” và  gần 4.000 m2 ao nuôi cá được kè bờ ao bằng gạch. Gia đình anh Tuấn đã vươn lên làm giàu từ ý chí và nghị lực của mình. Mô hình “Nuôi vịt đẻ cải tiến trên sàn lưới theo mô hình khép kín” đã được Ban tổ chức Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” thành phố Hải Phòng lần thứ hai năm 2018,2019 trao giải khuyến khích, cá nhân anh Tuấn được Hội Nông dân thành phố tặng Bằng khen.

                                 (Bài, ảnh: Phạm Văn Với, Chủ tịch HND xã Tiên Thắng)

]]>

  • Tin mới đăng