Gương nông dân làm giàu từ mô hình tích tụ ruộng đất tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy

Anh Phạm Văn Điệp, sinh năm 1989, hội viên nông dân xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy là một trong những nông dân điển hình đi đầu trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

          Anh Phạm Văn Điệp – hội viên nông dân xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy -tấm gương nông dân làm giàu từ mô hình tích tụ ruộng đất tại địa phương

Bản thân anh sinh ra và lớn lên tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy – Một xã thuần nông, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 300ha. Trong những năm qua, do hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hóa đi làm các ngành nghề khác có xu hướng ngày một gia tăng đặc biệt trên những cánh đồng sâu trũng, giao thông đi lại khó khăn. Năm 2019, UBND huyện Kiến Thụy đã có chủ trương hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất, khuyến khích các cá nhân tổ chức thuê ruộng (hay mượn ruộng) của nhân dân để sản xuất hàng hóa. Đây cũng là thời điểm và điều kiện thích hợp cho các địa phương thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phân bổ, cơ cấu lao động giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã.

Nắm bắt cơ hội trên, năm 2019, anh Điệp đã thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất thuê 8,5 ha đất lúa bỏ hoang lâu năm tại cánh đồng Chùa, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên để chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Để tạo ra cánh đồng vàng trên lúa dưới cá như hiện nay, gia đình anh đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để đầu tư cải tạo đồng ruộng, dọn lau lác, đắp bờ vùng bờ thửa. Ngoài ra anh đầu tư các thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất trồng trọt như: Máy làm đất đa năng, 01 dàn gieo mạ công suất 1.200 khay/h, 02 máy cấy, 01 bộ máy gặt đập liên hoàn và hơn 4.000 khay mạ. Do áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học…nên cánh đồng sản xuất lúa cá tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất đại trà. Hàng năm mô hình cho thu lãi bình quân 600-700 triệu đồng/năm.

Qua kết quả đạt được về hiệu quả kinh tế cũng như xã hội trong việc tích tụ ruộng đất cho thấy chủ trương thực hiện là hoàn toàn đúng và phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần tích cực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hình thành nên ngành nông nghiệp có quy mô sản xuất tập trung, gắn với cơ giới hóa, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng được đồng bộ, tạo ra mối liên hệ, hợp tác và liên kết giữa 04 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp được chặt chẽ và gắn bỏ hơn trong sản xuất. Góp phần phân công lại lao động xã hội nói chung và lao động trong nông nghiệp nói riêng, phù hợp với điều kiện đất đai và điều kiện kinh tế xã hội. Tạo ra sản phẩm xã hội tập trung và nâng cao năng suất lao động chất lượng cao hơn; đủ sức cạnh tranh với thị trường. Tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức sống người nông dân nông thôn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Phạm Thị Thủy – Hội Nông dân huyện Kiến Thụy

  • Tin mới đăng