ĐƯA CÔNG NGHỆ SINH HỌC VÀO CHĂN NUÔI

Những năm qua, ngành chăn nuôi của huyện Vĩnh Bảo ( Hải Phòng) đã có bước phát triển đáng kể về số đàn, quy mô chuống trại, từ đó việc quản lý chất thải trong chăn nuôi càng trở nên khó khăn đối với người dân cũng như chính quyền địa phương. Để góp phần nâng cao ý thức và nhận thức cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, tham gia xây dưng nông thôn mới. Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã triển khai tại xã Vĩnh An huyện Vĩnh Bảo Dự án thí điểm mô hình Ứng dụng đệm lót sinh thái, an toàn sinh học xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trang trại của nông dân”   được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững.

Ảnh 1: Ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà
* Hàng tấn chất thải trong chăn nuôi thải ra môi trường mỗi ngày Vĩnh An là một trong những xã có số trang trại, gia trại gà nuôi nhiều ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Theo thống kê năm 2015, toàn xã có 54 trang trại, gia trại và hàng trăm hộ nông dân nuôi gà tại gia đình với trên 100 nghìn con. Bên cạnh đó, số trang trại, gia trại chăn nuôi heo, trâu, bò cũng nhiều. Tuy nhiên, các trang trại, gia trại chăn nuôi của nông dân Vĩnh An hầu hết là quy mô vừa và nhỏ, phân tán xen lẫn trong khu dân cư, trang trại có quy mô lớn không đáng kể. Thời gian gần đây, trang trại chăn nuôi quy mô lớn đang phát triển mạnh, dịch chuyển từ khu dân cư ra khu vực ngoài cánh đồng theo quy hoạch của xã , có xu thế tăng nhanh cả về số lượng, quy mô, hình thức . Việc số lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng phát triển trong những năm gần đây đó đã làm tăng khối lượng chất thải rắn, chất thải lỏng phát sinh trong chăn nuôi. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày 1 con lợn thải ra môi trường khoảng 1,2 kg phân; 1 con trâu hoặc bò thải  5 – 7 kg phân; gia cầm thải 0,02 kg phân. Ngoài ra, môi trường còn tiếp nhận lượng nước bài tiết trung bình ở lợn là 0,8 lít/con/ngày; ở trâu, bò là 9 lít/con/ngày…  Như vậy, với tổng đàn gia súc, gia cầm như trên, trung bình mỗi ngày, môi trường phải tiếp nhận một khối lượng chất thải phát sinh từ chăn nuôi ước hàng tấn (gồm chất thải rắn và lỏng). Đó là chưa tính lượng chất thải từ vệ sinh chuồng trại. Nếu không xử lý tốt chất thải sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và gây tình trạng ô nhiễm thứ cấp, do vật chủ trung gian truyền bệnh (vì hầu hết các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, đều cho nước thải tự do ra ngoài môi trường, gây mùi hôi thối). Nồng độ khí độc phát sinh từ các chất thải này cao gấp nhiều lần so với mức độ cho phép, đặc biệt là các chất khí CO2, CH4 gây hiệu ứng nhà kính; số vi sinh vật và bào tử nấm phát sinh cũng cao tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, làm ô nhiễm nguồn nước, không khí… * Xử lý bằng công nghệ sinh học: Hiệu quả và bền vững Trước tình hình chất thải chăn nuôi ngày càng tăng, người chăn nuôi chủ yếu thải chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường (vì giá thành xử lý cao), khả năng xử lý còn hạn chế … nên việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào xử lý chất thải chăn nuôi có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là công nghệ sinh học. Chính vì thế, trong thời gian qua, cùng với ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, người dân nông thôn đã tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường. Để đồng hành cùng nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, năm 2016, với sự hỗ trợ của Trung tâm môi trường Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Vĩnh Bảo xây dựng mô hình Ứng dụng đệm lót sinh thái, an toàn sinh học xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trang trại của nông dân”  tại xã Vĩnh An cho 28 hộ nông dân chăn nuôi gà thương phẩm. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia nông nghiệp, với việc cung cấp vật tư của Ban điều hành dự án, sự nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các bước, các quy trình chăn nuôi mới của các hộ chăn nuôi, Dự án thí điểm đã hỗ trợ nông dân  các  chế phẩm sinh học, vật tư, áp dụng thực tiễn vào trong các trang trại của gia đình. Sau 3 tháng đi vào hoạt động, đến nay, Dự án đã phát huy hiệu quả, bước đầu nâng cao nhận thức cho người dân, giảm thiểu tình trạng mùi hôi đáng kể từ chất thải chăn nuôi thải ra  từ các chuồng trại. Theo đánh giá của cán bộ theo dõi Dự án, đến nay, 90% sản phẩm đệm lót sinh học trong vùng thực hiện đạt yêu cầu. Các hộ sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà đã xử lý triệt để lượng phân, nước thải chăn nuôi thải ra môi trường, hạn chế mùi hôi. Ngoài giải quyết vấn đề chất thải trong chăn nuôi, cách làm này còn giúp cho hộ chăn nuôi tiết kiệm hàng trăm ngày công lao động do phải dọn, rửa chuồng trại, giảm đáng kể chi phí về nhân công. Bên cạnh đó, bã thải từ các lần thay đệm lót sau này còn được dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, cải tạo đất, giúp giảm lượng phân hóa học, mang lại hiệu quả cao trong xử lý chất thải, góp phần bảo vệ bảo vệ môi trường.

Ảnh 2: Kỹ sư Nguyễn Đình Quyền hướng dẫn các hộ tham gia dự án làm đệm lót sinh học

Qua đó, Dự án mang lại hiệu quả to lớn trong công tác tuyên truyền tới mọi người dân trong vùng thực hiện Dự án hiểu rõ tầm quan trọng và sựu cần thiết của việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia xúc, gia cầm trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, trồng trọt của người nông dân. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý chất thải, rác thải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, sinh hoạt của gia đình, cộng đồng thôn xóm; phát động phong trào giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thường xuyên khơi thông cống rãnh, dòng chảy, xóa bỏ các điểm nước đọng, tổng vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; triển khai thực hiện Dự án gắn với thành lập và ra mắt mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, tổ dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, tổ tự quản về môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào xây dựng hương ước thôn, xóm về bảo vệ môi trường nông thôn.

Nói về hiệu quả của giải pháp mà Dự án đã và đang áp dụng tại địa phương, ông Nguyễn Đình Quyền (kỹ sư trạm khuyến nông Vĩnh Bảo) cho biết: giải pháp này chủ yếu sử dụng mùn trấu (là nguyên liệu sẵn có tại địa phương) rải lên nền chuồng rồi kết hợp với lớp men vi sinh vật có ích để phân giải phân, nước tiểu do vật nuôi thải ra và một phần trấu; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối. Ngoài ra, với khí hậu miền Bắc, về mùa Đông, đệm lót sinh học có tác dụng rất lớn trong việc giữ ấm cho gà. Giải pháp này giúp giảm tỷ lệ gà mắc bệnh cúm, bệnh về hô hấp, tiêu hóa; giảm chi phí điện, nước và công chăm sóc, ít tiêu tốn thức ăn, chất lượng thịt cao hơn so với chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. Từ đó, có thể nói, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường, đặc biệt là tránh các ô nhiễm thứ cấp do động vật trung gian truyền bệnh gây ra; tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, các ứng dụng trên vẫn còn đang triển khai ở dạng mô hình, quy mô nhỏ, chưa được ứng dụng rộng rãi, nhất là ở các trang trại lớn. Theo các nhà chuyên môn, đây là giải pháp vừa hiệu quả, vừa lại bền vững. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố có cơ chế đầu tư, hỗ trợ nông dân tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng mô hình sử dụng “đệm lót sinh thái, an toàn sinh học xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trang trại của nông dân” rộng rãi trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian tới ./. Tin và ảnh: Ngô Thị Minh Hà- Phó Chủ tịch TT Hội Nông dân TP]]>

  • Tin mới đăng