CHUYÊN MỤC TÌM HIỂU PHÁP LUẬT KỲ III

Tìm hiểu các vấn đề cơ bản về Luật Bảo hiểm Xã hội:

– Mọi thắc mắc của bà con nông dân về chuyên mục Luật Bảo hiểm Xã hội xin gửi câu hỏi về Email: trungtamhndhp@gmail.com với tiêu đề: “Tìm hiểu pháp luật” và ghi rõ nội dung câu hỏi + thông tin bà con gồm: họ và tên + số điện thoại .

Câu hỏi 8:

Các chính sách về BHXH có ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc sống của người lao động. Xin được hỏi, việc thanh tra, báo cáo, kiểm toán BHXH được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 13 Luật BHXH năm 2014 quy định về thanh tra BHXH:

– Thanh tra lao động – thương binh và xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra.

– Thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra.

– Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chế độ báo cáo, kiểm toán quy định tại Điều 16 Luật BHXH năm 2014 như sau:

– Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

– Định kỳ ba năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội và báo cáo kết quả với Quốc hội. Theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, quỹ bảo hiểm xã hội được kiểm toán đột xuất.

Câu hỏi 9:

Tôi có tham gia tổ chức công đoàn tại nơi làm việc. Tôi muốn tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận về BHXH?

Trả lời:

Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định về Quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức công đoàn có các quyền sau đây:

– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

– Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động;

– Giám sát và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn.

Tổ chức công đoàn có các trách nhiệm sau đây:

– Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động;

– Tham gia thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chủ động tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội phù hợp với bản thân và gia đình; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; phản biện xã hội, tham gia với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 10:

Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết có tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp, Cin được hỏi, pháp luật có nghiêm cấm những hành vi nào liên quan đến BHXH?

Trả lời:

Điều 17 Luật BHXH năm 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm:

– Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

– Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

– Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

– Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

– Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.

– Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

– Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

– Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

  • Tin mới đăng