Chương trình phối hợp với HND các Tỉnh, thành phố bạn: KẾT QUẢ NỔI BẬT PHONG TRÀO SXKD GIỎI HUYỆN HOÀI ĐỨC – TP HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2012-2014

Huyện Hoài Đức – Hà Nội có tổng diện tích đất tự nhiên là 8.245 ha, trong đó: đất nông nghiệp có 4.394 ha; Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 7,2%, công nghiệp xây dựng 55%, thương mại và dịch vụ 37,8%; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đạt kết quả khá, đã và đang hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng cây ăn quả ở các xã Đắc Sở, Yên Sở, vùng trồng rau an toàn ở các xã Tiền Yên, Song Phương, Vân Côn, vùng trồng hoa cây cảnh ở các xã Đông La, An Khánh … cho thu nhập bình quân từ 200 – 500 triệu đồng/ha/năm. Trong 3 năm qua mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt cao, bình quân 14,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 32,1 triệu đồng/người/năm.

Có được kết quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của cán bộ, hội viên nông dân trong huyện, mà trọng tâm là việc triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững: Hàng năm Hội nông dân huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo 100% cơ sở Hội tổ chức tuyên truyền, phát động đến 100% hộ hội viên, nông dân và được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia. Trong 3 năm (2012 – 2014) toàn huyện đã có 28.736 lượt hộ cán bộ, hội viên nông dân đăng ký thi đua danh hiệu hộ SXKD giỏi 4 cấp. Kết quả bình xét 2 năm 2012-2013 và công nhận đạt 4 cấp là 11.919 hộ; trong đó: Cấp Trung ương: 23 lượt hộ, cấp thành phố: 219 lượt hộ, cấp Huyện: 5.145 lượt hộ, cấp cơ sở: 7.625 lượt hộ.
Các cấp Hội nông dân từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối kết hợp với Đài truyền thanh huyện, xã và các phương tiện truyền thông đại chúng của địa phương, của Trung ương và thành phố để tuyên truyền. 3 năm qua các cấp Hội đã viết được 485 tin, bài các loại phát trên Đài truyền thanh xã, huyện, các báo, đài Thành phố, Trung ương và báo của Hội; phối hợp xây dựng 12 phóng sự tuyên truyền về gương người tốt việc tốt, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, các gương SXKD giỏi tiêu biểu. Qua đó, góp phần đổi mới công tác tuyên truyền vận động nhân dân sát với thực tiễn, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân, khơi dậy ý thức vươn lên trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nêu gương, các cấp Hội làm tốt các hoạt động trợ giúp hội viên nông dân như: Hàng năm HND huyện chủ động phối hợp với Phòng kinh tế, Trạm khuyến nông, Trạm thú y, Trạm BVTV huyện, Công ty thức ăn chăn nuôi gia súc Con Cò, Công ty Syngenta, Trung tâm Tài nguyên thực vật, Trung tâm phát triển nhân lực – Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, Chi cục nuôi trồng thủy sản Hà Nội và Công ty TNHH công nghệ Thành Châu vv… hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ đến cán bộ và hội viên, nông dân. Trong 3 năm đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật 312 lớp ở 20/20 cơ sở Hội cho 29.788 lượt hội viên tham dự. Tổ chức 25 đợt cho trên 2.069 lượt cán bộ, hội viên đi thăm, học tập trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, thành phố; tham gia Hội thảo Xây dựng nông thôn mới và phát triển làng nghề bền vững; tham gia chương trình Nhịp cầu Nhà, tham dự Hội chợ giống cây trồng, vật nuôi và hội thảo tại Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam,….

Đ/c Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch HNDTP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Để giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập cho gia đình, trong 3 năm các cấp Hội đã tích cực huy động các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, của các tổ chức cho hội viên và nông dân vay Trong đó: Vay vốn ngân hàng CSXH: Năm 2012 có 16 cơ sở phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện vay vốn tổng dư nợ là 35.789,360 triệu đồng cho 2.165 hộ vay. Năm 2013 tổng dư nợ là 42.277,679 triệu đồng cho 2.795 hộ vay. Năm 2014 tổng dư nợ là 45.128,500 triệu đồng cho 2.829 hộ vay ở 18 cơ sở. Vay vốn ngân hàng Nông Nghiệp và PTNT: Năm 2013 toàn huyện xây dựng được 12 tổ, 54 hộ vay tổng dư nợ là 1.335 triệu đồng. Năm 2014 tiếp tục duy trì các tổ đã thành lập được và xây dựng thêm được 4 tổ mới đến hết tháng 5 năm 2014 tổng dư nợ là 2.213 triệu đồng, số tổ vay vốn là 16 tổ, số hộ vay vốn là 89 hộ. Xây dựng quỹ HTND: Tổng số nguồn Quỹ HTND huyện đang quản lý là 14.644,1 triệu đồng; trong đó: 13.600 triệu đồng nguồn Quỹ HTND Thành phố ủy thác, 480 triệu đồng nguồn Quỹ HTND huyện và 564,1 triệu đồng nguồn Quỹ HTND cơ sở. Tăng trưởng trong năm 2013 là 359,4 triệu đồng đạt 179,7% chỉ tiêu Thành Hội giao. Xây dựng quỹ Hội: Tổng số quỹ toàn huyện lên 1.669,35 triệu đồng. Nguồn quỹ tuy không lớn nhưng đã góp phần giúp 165 hội viên, nông dân vay đầu tư để phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức thăm hỏi cán bộ hội viên khi ốm đau, việc hiếu, việc hỷ, tặng quà cho cán bộ Hội nghỉ hưu và cán bộ Hội thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo …
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm: Trong 3 năm HND huyện phối hợp phòng LĐ TBXH huyện và Trung tâm dạy nghề huyện chỉ đạo các cơ sở Hội trực tiếp chiêu sinh, tổ chức 44 lớp dạy nghề cho 1.452 hội viên nông dân và con em hội viên nông dân, với các nghề điện dân dụng, nấu ăn và Chăn nuôi thú y và phối hợp với các đoàn thể khác tổ chức 27 lớp cho 473 người tại Trung tâm dạy nghề của huyện. Phong trào đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo trong những năm qua được các cấp hội thực hiện có hiệu quả, đã giúp 2429 hộ nông dân thoát nghèo.
Thông qua các hoạt động trợ giúp của các cấp Hội trong phong trào SXKD giỏi đã có nhiều mô hình tiêu biểu, gương điển hình xuất sắc đem lại thu nhập cao như: Mô hình trồng, chăm sóc cây Phật thủ tại xã Đắc Sở: cho thu nhập bình quân đạt 350 – 500 triệu đồng/ha. Gấp 5 lần so với trồng lúa, gấp 2-3 lần so với các loại cây ăn quả đang trồng tại địa phương. Mô hình rau an toàn tại Chi hội Tiền Lệ – xã Tiền Yên với quy mô 2 ha, có 16 hộ tham gia, hiệu quả kinh tế đạt từ 1-1,5 lần so với trước khi chưa có dự án. Mô hình trồng cây cà chua ghép trên gốc cà tim tại Song Phương cho thu nhập gấp 1,5-2 lần so với trồng cà chua giống cũ. Mô hình trồng hoa phong lan: xã Đông La bước đầu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đến nay mô hình này đang tiếp tục nhân rộng ra nhiều hội viên khác,… Các hộ cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm tiêu biểu như Hộ ông: Trần Ngọc Nhạ – xã Đức Thượng, với mô hình chăn nuôi lợn ngoại hiệu quả kinh tế cao; hộ ông Đỗ Đình Ngô – xã An Khánh chăn nuôi gà đẻ và ấp trứng; hộ ông Phạm Thừa Thắng – xã Cát Quế; hộ ông Nguyễn Văn Chiến, Ông Nguyễn Văn Tâm, Ông Nguyễn Văn Thiện – xã Đắc Sở, …
Qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thực hiện mục tiêu tăng giàu, giảm nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Hoài Đức đã khơi dậy và khai thác tiềm năng, nội lực trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở địa phương. Phong trào có ý nghĩa sâu sắc trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm dần tệ nạn xã hội, phát triển phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, giữ gìn an ninh chính trị. Đặc biệt, Phong trào đã khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân và thực sự là nòng cốt, là trung tâm trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hoài Đức nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Thanh Nhàn- UVTV, Trưởng ban Tuyên huấn HND TP Hà Nội
 ]]>

  • Tin mới đăng