Không ngại thất bại, không ngừng tìm tòi, học hỏi, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm … là bí quyết giúp cho anh Nguyễn Văn Hùng, chàng thanh niên sinh năm 1988, bỏ nghề kỹ sư ngành đóng tàu, thành công với nghề ươm trồng hoa lan ở làng hoa Đồng Dụ, xã Hồng Thái, huyện An Dương.
Ảnh: Anh Nguyễn Văn Hùng (áo xanh) giới thiệu cách chăm sóc vườn hoa lan tại gia đình với anh Đỗ Khắc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Dương
Sinh ra và lớn lên tại làng hoa Đồng Dụ, xã Hồng Thái, huyện An Dương, ngay từ nhỏ, anh Hùng đã gắn bó với đồng đất và hoa cỏ, với nghề trồng Hải Đường của gia đình. Học xong cấp 3, Hùng thi đỗ vào Trường Cao đẳng Giao thông và tham gia học ngành đóng tàu. Sau đó học thêm ngành kỹ thuật Hàn và được Công ty của Nhật Bản tuyển dụng làm việc trong 3 năm. Trong thời gian lao động tại Nhật Bản, vào những dịp Lễ Tết, anh được các thầy giáo người Nhật cho đi thăm quan một số mô hình trồng hoa trong nhà kính của người Nhật. Ở đó, cây cho hoa phát triển rất tốt, hiệu quả kinh tế cao, không tốn nhiều sức lao động, ít ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Với niềm đam mê sẵn có, trở về Việt Nam, anh tiếp tục học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ một số hộ gia đình có nghề truyền thống trồng hoa tại huyện An Dương, để từ đó gắn bó luôn với nghề trồng hoa lan. Khi đã được trang bị những kiến thức cơ bản về trồng hoa, anh tham gia khóa học ngắn hạn (3 tháng) tại Trường Đại học Nông- Lâm thành phố Hồ Chí Minh; tìm hiểu thực tế tại Đà Lạt về cách trồng cũng như chăm sóc, nuôi cấy các giống hoa lan, đặc biệt là lan Hồ Điệp. Không dừng ở đó, anh tiếp tục đi Quảng Châu (Trung Quốc) học chuyển giao công nghệ trồng hoa lan trong phòng thí nghiệm về nuôi cấy mô. Khi trở về địa phương, năm 2014, với số vốn dành dụm được khi lao động tại Nhật Bản, anh đề nghị gia đình phá bỏ vườn Hải Đường, để đầu tư ươm trồng lan. Với tổng diện tích 440 m2 đất vườn nhà, anh cùng gia đình đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng 220 m2 nhà lưới trồng cây lan trưởng thành; 220m2 khác xây phòng thí nghiệm ươm tạo giống lan. Sau 6 tháng chờ đợi, theo dõi, lo âu, trải qua rất nhiều lần thất bại, tưởng như phải bỏ nghề, nhưng cuối cùng 15 bình đầu tiên anh ươm giống đã bước đầu thành công. Anh tâm sự: Giống lan Hồ Điệp rất khó tính, bắt buộc phải trồng trong nhà lưới, có đủ các điều kiện về điều hòa nhiệt độ, quạt thông gió, hệ thống tưới nước. Nhà lưới cần được thiết kế với lưới ở bên ngoài để tránh côn trùng, trong là lớp linon duy trì nhiệt độ. Những cây hoa lan muốn ra hoa phải ở môi trường có nhiệt độ 10 độ C để cây hoa có thể bật ngồng hoa. Từ năm 2014 đến nay, vườn lan của gia đình anh thu hút rất nhiều khách hành đến thăm quan, mua hoa thương phẩm, mua giống cây về trồng. Trong dịp Tết năm 2015, thương lái đến mua tại nhà anh 5.000 giò lan (chủ yếu hoa lan rừng và lan Hồ Điệp với giá từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/giò lan); tổng doanh thu vườn lan đạt trên 500 triệu đồng, phục vụ cho thị trường Hà Nội và Hải Phòng. Anh cho hay: “Sau 2 năm trồng, nếu người trồng chăm sóc kỹ lưỡng, cây lan mới ra hoa đẹp. Cây lan đẹp, là cây có thân cây mập, cây khỏe, số nụ từ 8-12 nụ, nở đều từ hai phía thì giá bán cao. Người tiêu dùng rất ưa chuộng giống lan này vì có giá rẻ hơn, thời gian chơi hoa lâu hơn so với hoa nhập từ nước ngoài về”. Anh Hùng chia sẻ: Làm giàu từ nghề trồng lan không khó. Lượng hoa lan cung cấp ra thị trường hiện nay lúc nào cũng thiếu, nên người trồng luôn được đảm bảo đầu ra. Cái khó là người trồng lan phải học cách chăm sóc tỉ mỉ và nâng niu từng cành hoa, rễ cây, lá cây và phải chịu khó học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm… Đặc biệt là nuôi cấy mô, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu. Hiện nay, anh chủ yếu nghiên cứu và áp dụng hai phương pháp nuôi cấy mô từ ngồng mắt ngủ phát hoa và dùng quả để gieo hạt. Để bảo đảm cung cấp nguồn giống lan cho các nhà vườn trồng lan thương phẩm bán ra thị trường, anh triển khai mô hình lan nuôi cấy mô có ưu điểm cây giống tốt, chất lượng ổn định, đặc điểm sinh trưởng phát triển nhanh và ít bị sâu bệnh. Hiện tại, anh đang chuẩn bị mở rộng quy mô trồng lan thương phẩm với trang thiết bị đầy đủ, xây nhà lưới rộng 1.000 m2 với tổng kinh phí dự toán đầu tư gần 4 tỷ đồng. Mô hình nhân giống lan Hồ Điệp với tỷ lệ cây chết gần như bằng không của anh Hùng mới chỉ là bước đầu, anh mơ ước và tiếp tục có kế hoạch nhân giống lan cung cấp giống cho thị trường các tỉnh phía bắc, để không phải nhập khẩu giống hoa từ nước ngoài về. Chia tay anh Hùng, chúng tôi luôn chúc cho anh sớm thành công với ước mơ của mình./. (Bài, ảnh: Thu Hằng – Hội Nông dân thành phố Hải Phòng)]]>