Cây thuốc lào, một loại cây chưa có cây trồng khác thay thế ở Vĩnh Bảo

Ảnh: Hình ảnh người nông dân đang phơi, đảo những nong thuốc lào tại huyện Vĩnh Bảo

Không biết có từ bao giờ, nhưng cây thuốc lào đã gắn bó với người dân Vĩnh Bảo nói chung và người nông dân xã Lý Học nói riêng. Trải qua nhiều năm tháng, biết bao đổi thay, nhưng cây thuốc lào vẫn tồn tại và đứng vững và chưa có cây trồng nào có thể thay thế. Cũng nhờ vậy, đời sống người dân trồng thuốc lào trong những năm gần đây đã khấm khá hẳn lên nhờ thu nhập từ cây thuốc lào. Từ xa xưa, người trồng thuốc lào chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, đúc kết sau nhiều năm mà không hề trải qua bất kỳ một lớp tập huấn, hay một quy trình hướng dẫn kỹ thuật nào. Những năm gần đây, nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm, cho nên năng suất và chất lượng đã tăng nhiều, giảm bớt đáng kể ngày công lao động. Cây thuốc lào có thể sinh trưởng và phát triển trên mọi loại đất trồng, nhưng chỉ có thể cho ra sản phẩm và chất lượng ở từng loại đất trồng, nhất là đất chua, chai cứng, không ưa đất cát pha. Khác với cây trồng như: lúa, ngô, khoai, cây thuốc lào một năm chỉ trồng được 1 vụ. Gieo cây con từ tháng 11 năm trước, trồng từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau,  đến tháng 5, tháng 6 là cho thu hoạch. Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng 5 trở đi, người dân trồng thuốc lào hồ hởi tập trung thu hoạch, nhà nhà, người người đều phấn khởi mong muốn có một mùa bội thu cả về năng suất và chất lượng. Trồng thuốc lào, thu hoạch và sơ chế cũng cả là một nghệ thuật. Lá thuốc lào được hái từ ruộng về, phải hái vào lúc chiều mát, về nhà người dân ngắt bỏ cậng và xếp lá thành cuộn, để trong nhà từ 4-5 ngày, đến khi cuộn lá ngả màu vàng sẫm, phát ra mùi thơm mới đem thái nhỏ thành sợi phơi từ 3-4 ngày nắng là được. Để có những sản phẩm thuốc lào đạt chất lượng cao phải đảm bảo cả quá trình chọn giống, chăm bón, chất đất, thời tiết thiên nhiên ưu đãi, kết hợp với quá trình sơ chế.  Những năm gần đây, do mở rộng nhiều diện tích trồng, vì thế nên vào mùa thu hoạch, hầu hết các gia đình đều không làm xuể, nên phải thuê mướn thêm lao động từ các xã, huyện lân cận đến để làm giúp. Năm nay, thuốc lào cũng được giá, mặc dù không cao lắm so với vài năm trước, nhưng thu nhập của người dân trồng thuốc cũng khá. Với năng suất trên 50kg – 60kg/sào, giá từ 120.000 – 200.000, cao điểm lên tới 300.000 đồng/kg, cho thu nhập từ 7-10 triệu đồng/sào; diện tích mỗi gia đình từ 7-8 sào và cá biệt có gia đình đến 2 mẫu; thu nhập mỗi gia đình trồng thuốc lào trong 1 vụ từ 50- 100 triệu đồng. Về vấn đề xã hội, cây thuốc lào là một cây trồng không được khuyến khích, vì sử dụng nó phần nào có hại cho sức khỏe. Nhưng xét về mặt kinh tế, cây thuốc lào vẫn là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Vì thế, đối với người dân Vĩnh Bảo nói chung, người dân xã Lý Học nói riêng, cây thuốc lào đến nay vẫn chưa thể thay thế bằng cây trồng khác./.
(Tác giả: Ngô Văn Chưởng, HND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo)
]]>

  • Tin mới đăng