Bát Trang mùa vải trĩu cành

(HPĐT)- Cùng ăn nước một con sông với vùng đất vải Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), có lẽ vì thế mà giống vải thiều Thanh Hà bén duyên với vùng đất Bát Trang (huyện An Lão) từ khi xuất hiện. Để rồi, mỗi mùa hạ đến, Bát Trang vào mùa vải đỏ, trĩu cành…

Cây vải, cây vàng

Đến ngôi nhà nằm bên tán hai gốc cây vải cổ thụ của chị Phan Thị Nhạn, ở thôn Hạ Trang, xã Bát Trang (huyện An Lão), thấy được ngay nét riêng của khu nhà vùng đất vải. Chỉ vào hai gốc vải cổ thụ chiếm hết diện tích khu vườn nhỏ, chị Nhạn cho biết: Theo lời kể của các cụ hai cây vải này được trồng cách đây gần trăm năm. Nhiều lần phải cưa gốc để lại tán. Hai cây vải năm ít cũng cho thu hoạch vài tạ quả. Năm nhiều thu đến cả tấn quả vải. Quả vải thiều được giá vì quả nhỏ vừa nhưng tròn, mọng, cùi giòn, bóc cùi dóc, ngọt hậu. Lái buôn năm nào cũng gọi điện để đặt mua cả cây. Bây giờ trồng đại trà nên rẻ nhiều, chứ hàng chục năm trước vải được giá. Mỗi vụ, sản lượng vải bán cũng thu được vài cây vàng. Nhà nào có cây vải thiều càng to, càng nhiều năm càng quý. Kinh tế khá, con cái ăn học lên người cũng nhờ vải.

Trồng vài mẫu vườn vải ở Bát Trang, gắn bó với nghề trồng vải cha truyền con nối, ông Lê Minh Đức tâm sự: Trước những năm 1990, cây vải là thứ quả vườn vì không có đầu ra. Đến năm 1990, các thương lái đến hỏi mua vải nhiều mà không có. Giá vải lúc đó khá cao. Người dân Bát Trang mới bắt đầu chiết cành từ những cây vải thiều trong vườn để trồng trên đồng đất bãi. Thời điểm ấy, giá vải cao, nhà nào trồng vải đều có của ăn, của để. Cây vải thực sự là nguồn kinh tế chính của những hộ dân nơi đây.

Ngồi dưới cành vải hàng trăm năm rêu xanh, rễ vồng cao gần mét so với mặt đất để nghe người dân nơi đây kể chuyện về những cây vải tỏa bóng che mát gần 400 m2 vườn, mới hay cây vải gắn bó với người dân Bát Trang nhiều đến vậy. Đó là những câu chuyện ấu thơ mà mỗi quả vải như món quà nghỉ hè tuyệt diệu, là món quà quý mà người Bát Trang mang tặng tới bạn bè, người thân, là câu chuyện thoát nghèo của người dân nơi đây, hay những đứa trẻ trọ học xa nhà, chờ mùa vải về để xin tiền bố mẹ, ông bà đóng học phí.

Thương hiệu “vải Bát Trang”

Những năm gần đây, ngoài vải thiều, người dân Bát Trang bắt đầu trồng thêm một số loại vải sớm như u gai, u lì, u hồng, tàu lai, u trứng. Trong đó, đặc biệt người dân Bát Trang trồng thành công giống u gai, u lì thu hoạch quả vải từ tháng 3 hằng năm, bán với giá 80.000 đồng/kg. Thế nhưng bắt đầu vào vải chính vụ tháng 5, giá giảm xuống chỉ còn 20.000 đồng/kg. Đến mùa vải thiều có khi còn giảm hơn nữa. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bát Trang Phan Việt Hào cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 2000 hộ trồng vải, tập trung ở 3 thôn: Quán Trang, Trực Trang, Hạ Trang với diện tích khoảng 200 ha. Hầu hết các hộ đều xuất bán sản phẩm sang huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) để xuất khẩu hoặc bán cho các thương lái. Năm nay, tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nên người dân chỉ xuất bán vải cho thương lái. Giá cả phụ thuộc và bấp bênh, mỗi ngày một giá. Đến thời điểm hiện tại, vải u hồng, giá chỉ còn khoảng chưa đến 20.000 đồng/kg.

Theo các chủ vườn vải trên địa bàn, giá vải 30.000 đồng/kg thì người nông dân mới có lãi, bởi công chăm sóc, phân bón cũng mất nhiều. Ông Nguyễn Bằng Phấn, xã Bát Trang cho biết: Để có một mùa vải thì mỗi người dân phải tỉa cành, chăm cho cây ra đủ ba lần lá lộc, đến lần cây ra lá lộc lần thứ 4 thì ra hoa là đẹp. Thời điểm này nếu gặp rét thì gần như hoa không đậu quả. Sau khi ra hoa thì phải phun thuốc đủ 6 lượt chống sương, chống sâu bọ. Phun thuốc phải căn đúng ngày không được lệch vì hiệu quả sẽ không đạt như mong muốn, thu hoạch quả cũng rất vất vả. Nếu các giống vải khác thì thu hoạch nhanh, còn vải thiều thì quả ra lẻ tẻ nên phải đi nhặt từng quả. Thuê công thu hoạch thì phải từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày.

Nằm giữa ngã ba của 3 con sông Lạch Tray, Văn Úc và Đa Độ, thế nên, đất xã Bát Trang hầu hết là đất ngọt phù sa phù hợp với cây vải. Từ đó, thương hiệu vải thiều Bát Trang được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận, không chỉ là niềm tự hào của người dân trong xã mà của toàn thành phố. Nhưng mùa vải nơi đây vẫn chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khi đầu ra của người nông dân vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Đại diện chính quyền xã Bát Trang cho biết: Địa phương luôn mong muốn trở thành cầu nối giữa các đơn vị cung ứng với các nhà vườn nơi đây, để vải Bát Trang đi xa hơn nữa…/.

Theo Báo Hải phòng điện tử

  • Tin mới đăng