Anh Nguyễn Văn Đủ – hội viên nông dân xã Liên Am, Vĩnh Bảo – vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

Sinh năm 1967, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Thượng Trung, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, nhận thấy cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, trăn trở nhiều đêm, anh Đủ quyết định tìm hướng đi mới để thoát nghèo. Năm 1998, anh chuyển ra Khu dân cư Quốc lộ 37 (lúc đó là đường 17 xã Liên Am) vừa mở quán bán hàng ăn sáng, vừa tranh thủ những lúc rảnh rỗi lấy cá giống về bán khắp nơi. Thời gian này anh đạp xe mỗi ngày gần trăm cây số để bán cá giống.Vất vả như vậy nhưng cái nghèo cứ đeo bám chẳng rời. Năm 2007, gia đình anh quyết định chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém năng suất sang ươm cá giống. Xác định lấy chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là sản phẩm chính, năm 2009 thông qua Hội Nông dân xã gia đình anh tiếp tục vay nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vĩnh Bảo mua thêm những diện tích xung quanh để mở rộng diện tích. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm gia đình anh gặp vô vàn khó khăn, từ thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất đến đầu ra cho sản phẩm… Sau nhiều lần thất bại, không nản lòng, mỗi lần thất bại là một lần đúc kết những bài học kinh nghiệm, anh tiếp tục “đứng dậy” để làm lại. Đặc biệt, từ khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, hệ thống điện, đường đi xuống trang trại thuận lợi hơn, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn và khoa học, kỹ thuật nên gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã có thêm cơ hội để đầu tư phát triển sản xuất. Từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ ban đầu, gia đình anh chuyển dần sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hình thức kinh tế trang trại.

Anh Nguyễn Văn Đủ chăm sóc trang trại tại gia đình

Năm 2019, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và cá trắm đen. Đến nay, gia đình anh có 4 ao (1 ao nuôi khoảng 20 vạn tôm thẻ chân trắng, 1 ao ươm 30 vạn cá chép hồng, 1 ao thả cá trắm đen và 1 ao thả cá diêu hồng). Thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại đã giúp anh đã mua lại được khu đất đã thuê trước đây với diện tích trên 3.600 m2.
Qua nhiều năm kiên trì học hỏi, cần cù lao động, tích cực học tập và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, quy mô sản xuất, chăn nuôi của gia đình anh dần lớn mạnh, vì thế lợi nhuận thu được cũng không ngừng tăng cao.

Anh Đủ cho biết: Trong nuôi trồng thủy sản bên cạnh nguồn thức ăn, môi trường nước đóng vai trò quan trọng chủ yếu quyết định chất lượng, năng suất vật nuôi. Một năm 2 vụ tôm, cá đều đặn thu hoạch quanh năm, thu nhập của gia đình những năm gần đây trừ hết chi phí năm sau thường cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 là 100 triệu đồng; năm 2010 là 120 triệu đồng; năm 2011 là 150 triệu đồng. Riêng năm 2020 gia đình anh có tổng thu nhập 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi trên 500 triệu đồng … Hiện nay, gia đình anh Đủ đã thực sự ổn định về kinh tế, nhà cửa khang trang, sắm sửa được nhiều tiện nghi, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức lương và thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng.

Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, anh Đủ còn là một người nhiệt tình, năng nổ, tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào do các đoàn thể phát động. Là thành viên của Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thuộc Hội Nông dân xã Liên Am, trong những buổi sinh hoạt anh thường xuyên trao đổi, học hỏi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp bà con phát triển kinh tế, để xóa đói, giảm nghèo. Bản thân anh và gia đình luôn được bà con trong thôn xóm quý mến, là tấm gương sáng cho mọi người ở địa phương học tập và noi theo. Với  những nỗ lực cố gắng và cống hiến ấy, anh đã vinh dự được Ủy ban nhân dân huyện và Hội Nông dân huyện tặng Giấy khen, là điển hình của Hội Nông dân huyện Vĩnh Bảo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.

Nguyễn Thị Hảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo

  • Tin mới đăng