Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3 tại Hà Nội, thay mặt Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường đã kiến nghị với Thủ tướng 11 nhóm vấn đề sau: 1- Đề nghị Chính phủ đổi mới cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về nông thôn, tập trung cho kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thuỷ lợi, khoa học- công nghệ, dạy nghề cho nông dân… Có chính sách khuyến khích việc nâng quy mô sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán hiện nay. Bổ sung, chỉnh sửa Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao mức ưu đãi để đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 2- Quy hoạch các vùng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, chính sách hợp lý tạo điều kiện cho nông dân vay vốn được thuận lợi để phát triển sản xuất. Sửa đổi đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 41/NQ-CP bao gồm cả các hộ nông dân thuộc các thị trấn, phường có sản xuất nông nghiệp và nông dân vay vốn không phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có cơ chế tạo lập nguồn vốn lâu dài cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cơ chế huy động nguồn vốn trung và dài hạn đối với các ngân hàng thương mại để đủ sức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/NQ-CP của Chính phủ. – Ban hành chính sách để các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như: Lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su… trích một phần lợi nhuận trên số lượng hàng xuất khẩu thực tế hàng năm để thành lập Quỹ đầu tư, hỗ trợ trở lại cho người sản xuất ở các vùng chuyên canh (như cho phép trích từ 1-2 USD/tấn gạo xuất khẩu để lập Quỹ hỗ trợ nông dân vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu). 3- Có chính sách cụ thể khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp cổ phần… để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn. – Nhà nước cần có quy hoạch sử dụng đất khoa học, cụ thể cho các nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Hạn chế việc lấy đất nông nghiệp cho mục đích phi nông nghiệp, có biện pháp bảo đảm giữ vững 3,8 triệu ha đất trồng lúa. – Đổi mới chính sách bồi thường cho nông dân khi Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất, bảo đảm để người dân đủ điều kiện sống và sản xuất lâu dài với khoản bồi thường (Ví dụ trả bằng sổ tiết kiệm ngân hàng, chỉ được rút lãi để bảo đảm chi tiêu, sinh hoạt, khi có nhu cầu rút vốn phải có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi…). – Sớm sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với tình hình mới, theo hướng gia hạn quyền sử dụng đất cho nông dân lâu dài hơn (từ 50 năm hoặc 70 năm); nên bỏ chính sách hạn điền tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tích tụ ruộng đất, yên tâm đầu tư lâu dài và hợp tác sản xuất, vươn lên sản xuất quy mô lớn. Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân. 4- Bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất: – Nhà nước có chính sách giúp nông dân tiêu thụ nông sản, trong đó có chính sách trực tiếp thu mua nông sản dư thừa của nông dân, tránh tình trạng nông dân bị ép giá. Việc thực hiện chính sách này có thể theo cách: + Đơn vị thực hiện thu mua nông sản tạm trữ nên là của Nhà nước, ví dụ như Cục dự trữ quốc gia, không nên giao cho các doanh nghiệp, vì như vậy, nông dân không được hưởng lợi nhiều do doanh nghiệp luôn tối đa hóa lợi nhuận và nhiều khâu trung gian. Đến thời điểm thích hợp, khi thị trường khan hàng, đơn vị của Nhà nước tổ chức bán đấu giá cho các doanh nghiệp tiêu thụ. + Ưu tiên thu mua nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP, bảo đảm các quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm, không hủy hoại môi trường, nông sản được sản xuất theo nhóm hộ hoặc của các tổ hợp tác, hợp tác xã để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp hạn chế nông dân phát triển nông nghiệp theo thói quen và mang tính tự phát. Tránh tình trạng, nông dân đổ xô đi phá rừng trồng cà phê, trồng mía, trồng vải thiều, nạo vét ao đầm nuôi cá, tôm khi các mặt hàng này được giá, nhưng khi thị trường thay đổi, bị rớt giá và ép giá, người dân lại tự phá bỏ để quay về lối canh tác cũ. Đây là tình trạng sản xuất thiếu quy hoạch, thiếu tổ chức sản xuất, thiếu tính bền vững, gây hủy hoại môi trường và lãng phí các nguồn lực. – Chỉ đạo các ngành chức năng, quản lý chặt chẽ vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống cây trồng, vật nuôi, không để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. – Sửa đổi Quyết định số 80/QĐ-TTg về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng cho phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản liên kết với nông dân theo hình thức đóng góp cổ phần, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Cần có điều khoản giải quyết các xung đột về lợi ích và trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. – Có chính sách chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, chế biến nông sản. Khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua các dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật mới. Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm về kinh phí cho tổ chức, cá nhân chuyển giao thành công một kỹ thuật mới. – Đổi mới Chính sách hỗ trợ nông dân: Trong những năm qua, hằng năm Nhà nước chi hàng chục ngàn tỷ đồng để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống thông qua hỗ trợ lãi suất, giảm thuế xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp, trợ cước, trợ giá giống, phân bón qua doanh nghiệp… Tuy nhiên hiệu quả không cao. Đề nghị Nhà nước nghiên cứu nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để gắn trách nhiệm của nông dân trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào sản xuất và sản xuất ra những sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Khoản hỗ trợ có thể thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. 5- Về chính sách xã hội cho nông dân. – Nghiên cứu tiến tới có chính sách để nông dân được hưởng bảo hiểm xã hội (có lương hưu), chế độ nghỉ mất sức lao động. Tiếp tục nghiên cứu và mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp, mở rộng diện hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nông dân. Thành lập Quỹ hỗ trợ rủi ro cho nông dân. Có chính sách hỗ trợ gia đình nông dân nghèo có con em học đại học. 6- Đề nghị Chính phủ cho rút ngắn thời gian hoàn thành đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh xuống còn 5-7 năm thay vì sau 10 năm mới hoàn thành như trong Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và hoàn thành cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. 7- Đề nghị Đảng, Nhà nước có cơ chế đặc thù để khuyến khích nông dân bám biển, bám biên giới. Có chính sách chủ động hỗ trợ nông dân vùng núi cao phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về cây trồng, đàn gia súc, nhất là trâu, bò bị chết do rét đậm, rét hại. Không nên khi bị thiệt hại rồi mới hỗ trợ. Hiện nay, đời sống của nông dân vùng biên giới và hải đảo rất khó khăn, nhiều nơi đồng bào bỏ đất, di cư, ngư dân không có khả năng đóng tàu lớn đi biển. Việc Nhà nước có chính sách đặc thù bảo đảm người dân sống được ở vùng biên giới, hải đảo, có điều kiện khai thác hải sản xa bờ sẽ góp phần bổ sung lực lượng quan trọng tham gia việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia. 8- Tăng cường các biện pháp thông tin, truyền thông cho nông dân: Trong thời gian vừa qua, hiện tượng nông dân cho người nước ngoài thuê đất trồng khoai lang, nông dân cho bùn vào chè thành phẩm, hiện tượng tụ tập đông người ở Mường Nhé… là do nông dân có phần bị thiếu thông tin chính thống, bị lợi dụng, trong khi đó, các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể thiếu nhân lực, thiếu phương tiện để hoạt động truyền thông. Để tăng cường chuyển tải kịp thời thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đông đảo hội viên, nông dân, đề nghị Chính phủ có cơ chế cấp miễn phí thiết bị thu sóng cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vì hiện nay Kênh VTC16 cũng đã phát huy nhiều tác dụng trong việc chuyển tải thông tin cho nông dân, nhưng do là kênh truyền hình kỹ thuật số nên rất ít nông dân có đủ điều kiện mua thiết bị thu. 9- Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có biện pháp kiên quyết chấm dứt nạn khai thác quặng, khai thác cát trái phép làm ô nhiễm các nguồn sông, suối, phá hoại môi trường; chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công theo Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường; tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế tối đa nạn chặt phá rừng trái phép như hiện nay. – Có cơ chế cụ thể để Hội Nông dân Việt Nam tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và tham gia thực hiện các chính sách tiêu thụ nông sản của Chính phủ (hiện nay Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020” chưa thể hiện rõ trách nhiệm, nhiệm vụ và cơ chế để Hội Nông dân Việt Nam tham gia); đề nghị Thủ tướng bổ sung nhiệm vụ và cơ chế để Hội Nông dân Việt Nam được tham gia trực tiếp vào 2 Chương trình này. – Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hội Nông dân Việt Nam được tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia) với tư cách là đơn vị chủ trì và tham gia Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. – Có cơ chế để Hội Nông dân Việt Nam được trực tiếp tham gia ngay từ đầu trong việc xây dựng các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Định kỳ hằng năm, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để nghe phản ánh và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. 10- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quan tâm cấp đủ kinh phí hằng năm để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam theo Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 07/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 11- Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; trên cơ sở đó, ban hành Quyết định của Thủ tướng về việc Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trong thời gian tới. (theo báo cáo số 16 BC/HNDTW)]]>
